'Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm quê đơn giản thế?'

Năm 1997, ông Trần Đức Lương được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, thay ông Lê Đức Anh xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Tôi được cơ quan cử làm phóng viên tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Xuống tận hầm lò thăm công nhân đang mở đường lò
Chuyến công tác đầu tiên xuống địa phương trên cương vị mới của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là xuống Quảng Ninh, thăm công nhân mỏ và Liên đoàn địa chất, nơi ông từng làm việc.
Năm 1997, ông 60 tuổi, rất khỏe mạnh nên đã xuống tận hầm lò thăm công nhân đang mở đường lò. Năm đó, ngành than vẫn còn nhiều khó khăn. Việc ông xuống tận gương lò và làm việc với lãnh đạo ngành than có sức động viên rất lớn.
Làm việc với tỉnh Quảng Ninh và ngành giao thông vận tải, ông tỏ ý băn khoăn về hiệu quả kinh tế của việc xây cảng Cái Lân.
Hôm đó đang diễn ra giải bóng đá các nước Đông Nam Á. Giải lao giữa giờ, mọi người được xem ít phút rồi lại tiếp tục làm việc. Ngoài đường phố có tiếng hò reo... một cán bộ giúp việc từ ngoài vào nói nhỏ tin vui với Chủ tịch nước.
Ông cười. Trận ấy đội tuyển Lào thắng, mở rộng cửa để Việt Nam vào chung kết.
Đợt công tác thứ hai xuống địa phương là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh nguyên là Bộ trưởng Thủy lợi đã thiết kế một lộ trình mới: từ Bến Tre đi xuyên qua các nhánh của sông Cửu Long xuống Trà Vinh - Sóc Trăng rồi xuống Cà Mau. Tuyến đường đi hôm ấy mở đầu cho việc phá thế độc đạo đi về miền Tây của quốc lộ 1.
Làm việc với các tỉnh, Chủ tịch Trần Đức Lương nêu câu hỏi: Tại sao cứ nói "thủy lợi phục vụ ngọt hóa"? Sao không đặt vấn đề "thủy lợi ở vùng ngập mặn"? Đấy là câu hỏi mang tính gợi mở rất lớn, ra ngoài nếp suy nghĩ phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long lúc đó.
Chuyến công tác kết thúc ở tỉnh Kiên Giang. Chủ tịch nước đến thăm quần đảo Thổ Chu. Tại xã đảo lớn nhất, Chủ tịch bày tỏ mong muốn được tặng bà con một món quà. Người dân đề xuất xây một bể chứa nước ngọt trên đảo.
Chủ tịch Trần Đức Lương ghi nhận và giao cho Văn phòng Chủ tịch nước lo.
Một năm sau, tôi có hỏi bể nước xây xong chưa thì được biết là đang làm dự án, để Bộ Tài chính cấp kinh phí xây dựng. Thì ra, không phải Chủ tịch nước muốn làm gì thì làm. Phải có "quy trình" vì Văn phòng Chủ tịch nước cũng không có tiền để làm. Còn nếu vận động doanh nghiệp A hay B bỏ tiền ra làm thì dễ rơi vào tình trạng "nhóm lợi ích".
Chuyến công tác ấy để lại một kỷ niệm đáng nhớ. Buổi tối tại Rạch Giá, sau khi dùng cơm, tôi ra cổng nhà khách dạo chơi thì thấy anh Kiếm, cảnh vệ của Chủ tịch, vội vã bước ra. Tôi hỏi: “Anh đi đâu vậy?”. Anh đáp: “Chủ tịch bảo tôi ra phố tìm hiệu sách mua một cuốn để đọc”.
Tôi nói: “Giờ này khó tìm hiệu sách lắm. Tôi có một cuốn sách hay, anh mang về cho Chủ tịch đọc nhé. Xin lỗi vì sách đã lỡ ký tên".
Hôm sau về TPHCM, tôi điện cho Giám đốc công ty phát hành sách khu vực 2 mang đến biếu Chủ tịch nước ít sách mới các loại (văn học, chính trị...).
Câu chuyện về sách chưa dừng lại tại đó. Tại Hà Nội, anh Nguyễn Cừ, bạn đồng môn Đại học Tổng hợp của tôi, Giám đốc nhà xuất bản Văn học, muốn tặng Chủ tịch nước một số cuốn sách. Tôi đề nghị: "Anh cứ gửi công văn, chúng tôi sẽ chuyển đến Văn phòng Chủ tịch nước để thu xếp". Đến ngày nhà xuất bản Văn học biếu sách, tôi không có mặt nên không rõ không khí buổi tặng ra sao, nhưng chắc chắn là vui vẻ.
Nhớ Tết đầu tiên, khi Chủ tịch nước chuẩn bị chúc Tết đồng bào
Trong năm 1998, có lẽ vào mùa hè, Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm quê Quảng Ngãi. Với tôi, điều may mắn nhất là tìm được nhà thầy Vũ Hữu Dụng, người dạy Văn và là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 7 của Chủ tịch nước năm xưa.
Vợ thầy là cô giáo Phạm Thị Noa, quê Quảng Ngãi. Cô Noa nói với tôi: "Chủ tịch nước về thăm quê đơn giản thế?". Tôi chỉ biết dạ, vâng.
Tôi nhớ mãi Tết Nguyên đán đầu tiên, khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương chuẩn bị chúc Tết đồng bào. Nhóm phóng viên đã sẵn sàng văn bản để thu thanh và ghi hình. Tôi nhận thấy một câu chưa chuẩn tiếng Việt. Tôi trao đổi với trợ lý, nhưng anh ngần ngại: “Chủ tịch đã duyệt rồi”.
Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên để câu này lọt qua, nên báo với anh Vũ Dũng, lúc đó là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Anh Dũng đọc xong, nói: “Tôi với anh ra gặp Chủ tịch”. Chủ tịch cười vui vẻ: “Thế à? Sửa đi thôi”.
88 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hạt giống đỏ Đảng ta ươm từ thời ở trường Trung học Lê Khiết trong kháng chiến chống Pháp, đã đi lên từ người lính địa chất. Dù không có cơ hội tháp tùng ông trong suốt hai nhiệm kỳ nhưng tôi luôn nhớ về ông với lòng kính trọng.
Trương Cộng Hòa