Chủ tịch nước Lương Cường sắp thăm Lào

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm Lào cấp nhà nước trong các ngày 24 - 25.4, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ thăm Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cấp nhà nước, từ ngày 24 - 25.4.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trong năm 2025, cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Lào trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường diễn ra trong bối cảnh quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp, gắn bó, tin cậy. Hai bên thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cả trên bình diện song phương và đa phương. Việt Nam và Lào cũng đang tích cực tổ chức các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Lào tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hiện Việt Nam có 267 dự án đầu tư vào Lào, với tổng vốn đăng ký là 5,63 tỉ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,8 tỉ USD. Riêng vốn đăng ký đầu tư sang Lào năm 2024 đạt 191,1 triệu USD.
Năm 2024, tổng kim thương mại song phương giữa hai nước đạt 2,25 tỉ USD (vượt mốc 2 tỉ USD mà hai bên đã đề ra). Kim ngạch thương mại hai chiều tháng ba tháng đầu năm 2025 đạt 980,1 triệu USD, tăng 105,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 346,4 triệu USD, tăng 138,6%, nhập khẩu từ Lào đạt 633,6 triệu USD, tăng 91,1%.
Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỉ USD trong 2 - 3 năm tới.
Hai nước ký Hiệp định mua bán than và điện, hoàn thiện khuôn khổ thanh toán bản tệ và kết nối thanh toán bán lẻ song là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp, triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã cam kết về hợp tác mua bán than, điện trong thời gian tới; cũng như tạo thuận lợi cho thương mại, giao thương và nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp và người dân hai nước, nhất là khu vực biên giới.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; phối hợp quản lý xuất nhập cảnh, vấn đề di cư, cư trú trái phép.
Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc triệt phá, trấn áp các loại tội phạm xuyên biên giới, nhất là tội phạm ma túy và buôn bán người. Đồng thời tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định Dẫn độ có hiệu lực, tiếp tục tăng cường công tác quản lý biên giới, thường xuyên duy trì tuần tra song phương và giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh trên biên giới.