Nhảy đến nội dung

Chủ tịch nước Lương Cường: Phật giáo là phần không thể tách rời trong đời sống người Việt

Phát biểu khai mạc đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt.

Sáng 6.5, đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đã khai mạc ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Tham dự khai mạc có Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Đào Ngọc Dung...

Đại lễ Vesak 2025 cũng có sự tham gia của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka cùng các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch, những vị lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo... cùng 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hun đúc bản sắc văn hóa Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ, Đức Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm, những giá trị cốt lõi của giáo lý từ bi - trí tuệ mà ngài truyền dạy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với nhân loại hôm nay. Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới.

Chủ tịch nước khẳng định, thông điệp đại lễ Vesak 2025: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

"Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ.

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "hộ quốc an dân", đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Phật giáo đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Trong bài phát biểu trước hàng ngàn đại biểu dự đại lễ Vesak 2025, Chủ tịch nước Lương Cường cho hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo người đứng đầu Nhà nước, tình hình thế giới hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; song, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, đói nghèo và những hệ lụy của thiên tai. dịch bệnh toàn cầu.

"Siêu bão Yagi mà Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực phải gánh chịu, hay động đất ở Myanmar, Thái Lan vừa qua, một lần nữa cảnh báo mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của thế giới. Những thách thức ấy kêu gọi chúng ta càng cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, chung tay cùng hành động, nỗ lực vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và vì phẩm giá con người", Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ.

Sau cùng, Chủ tịch nước đề nghị cần đưa "tâm từ bi" vào chính sách, mang "trí tuệ" vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng. 

Tổng thống Sri Lanka: "Việt Nam luôn hướng về hòa bình và phát triển bền vững"

Tổng thống Sri Lanka Lanka Anura Kumara Dissanayaka trong buổi khai mạc đại lễ Vesak 2025 chia sẻ, ngày nay, khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với chiến tranh, bất ổn, xung đột sắc tộc, thảm họa nhân đạo, và những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, thông điệp của Đức Phật về lòng từ bi và hòa bình càng trở nên cấp thiết.

Theo ngài tổng thống, Việt Nam là một quốc gia từng trải qua chiến tranh, nhưng luôn hướng về hòa bình và phát triển bền vững. Người dân Việt Nam đã nhiều lần hiến máu, hiến mô tạng cứu người, thể hiện lý tưởng vị tha mà Phật giáo đã truyền dạy từ ngàn xưa. Những hành động cao cả ấy không chỉ là nghĩa cử nhân đạo, mà còn là minh chứng cho sự thấm nhuần của giáo lý từ bi trong đời sống hằng ngày.

"Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo được gọi là tôn giáo của hòa bình. Đức Phật là sứ giả vĩ đại đầu tiên của một thế giới không bạo lực. Ngài đã dạy chúng ta rằng không có con đường nào dẫn đến hòa bình, mà chính hòa bình là con đường. Và con đường đó, nhân loại hôm nay phải tiếp tục đi, phải cùng nhau gìn giữ và phát triển", Tổng thống Sri Lanka phát biểu.

Theo Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka, Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù khác biệt về lịch sử, văn hóa hay hệ thống chính trị, đều có thể gặp nhau tại điểm chung của Phật giáo: đó là ước nguyện về một thế giới không còn chiến tranh, đói nghèo và kỳ thị, nơi mọi người được sống bình đẳng, an lạc và có cơ hội phát triển.

"Chúng tôi tin rằng, từ đại lễ Vesak 2025 này, ánh sáng chánh pháp sẽ tiếp tục soi rọi, dẫn dắt chúng ta vượt qua những thử thách của thời đại để cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka tin tưởng.