Nhảy đến nội dung
 

Chủ tịch GPInvest: Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn ngại lên tiếng trước các vướng mắc về thể chế

Ngày 16/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn đàn "Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách". Tại đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GPInvest thẳng thắn chia sẻ về thực trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn ngại lên tiếng trước các vướng mắc về thể chế.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung gian then chốt của hiệp hội trong việc tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan hoạch định chính sách. Trong quá trình góp ý xây dựng các đạo luật lớn như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 hay Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Hiệp hội đã đóng vai trò chủ động kết nối, phản biện nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp thực tiễn.

TS. Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ rõ, khi chính sách chưa hợp lý, phản ánh từ doanh nghiệp thông qua hiệp hội và báo chí là kênh quan trọng giúp điều chỉnh, hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, phản biện cần chuyên môn sâu, có dữ liệu và đặt lợi ích chung lên trên hết.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GPInvest nhìn nhận, trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện hệ thống luật pháp để thể chế hóa các Nghị quyết, nổi bật là Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân thì vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền và cổ vũ là rất cần thiết.

"Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một tình trạng là không có doanh nghiệp nào dám phát biểu, lên tiếng. Kể cả những doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn cũng không dám lên tiếng, không dám đề cập những vấn đề cốt lõi.

Doanh nghiệp của tôi chỉ tầm trung, nhưng những vấn đề về bất động sản, xây dựng thì tôi đều lên tiếng. Bởi tôi nhận thấy rằng, nếu mình không lên tiếng, không phản ánh thì các cơ quan trung ương, chính quyền làm sao biết được", ông Hiệp cho biết.

Vì vậy, tại Diễn đàn hôm nay, ông Hiệp mong 2 ĐBQH cùng tham dự sẽ ghi nhận vấn đề này và có kiến nghị. Bởi đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Và để thể chế hóa Nghị quyết 66, Nghị quyết 68, rất mong các cơ quan báo chí hỗ trợ các doanh nghiệp trong những vướng mắc như thế này.

Doanh nghiệp hay Hiệp hội bên cạnh gửi công văn đến Chính phủ, thì để công văn đó đến được với cộng đồng, giúp cho Quốc hội, Chính phủ thấy được tầm quan trọng của vấn đề thì cần có vai trò của báo chí. Đồng thời, vai trò của báo chí trong phản biện chính sách là vô cùng quan trọng.

Ông Hiệp cũng cho rằng, không có truyền thông thì không thể truyền tải được các phản biện chính sách, ý kiến của các doanh nghiệp. Nhưng cũng mong báo chí có tiếng nói để các doanh nghiệp, Hiệp hội mạnh dạn hơn trong việc góp ý, giãi bày vấn đề. Bởi các doanh nghiệp hiện này chủ yếu chỉ chia sẻ vấn đề với nhau nhưng thường không đưa ra những phát ngôn chính thức. 

"Tôi được biết, sắp tới sẽ có sự điều chỉnh 3 luật, trong đó có Luật Đất đai. Tôi luôn trăn trở một câu hỏi tại sao luật vừa ban hành đã phải sửa. Ví dụ như Nghị định 102 về định giá đất vừa ban hành tháng 2/2024 nay đã phải sửa. Có thể thấy, quy trình ban hành văn bản của chúng ta đang có những bất cập", ông Hiệp nói. 

Nếu quy trình ban hành văn bản pháp luật cho phép các doanh nghiệp được tham gia ý kiến và có cơ quan lắng nghe, thì sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng cơ chế chính sách. Qua đó, Chủ tịch GPInvest rất mong muốn có sự thay đổi quy trình, rằng trước khi ban hành văn bản thì phải có đối tượng chịu tác động trực tiếp được tham gia ý kiến, phản biện. Như vậy sẽ tránh được việc phải sửa đi sửa lại văn bản nhiều lần, chỉ sau thời gian ngắn.

Ông Hiệp nói thêm về việc Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính, nhưng thực tế hiện giờ là không những thấy chưa giảm được, mà còn có dấu hiệu kéo dài hơn.

"Chúng tôi từng triển khai một dự án trước đây, thời gian định giá đất xử lý từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo hội đồng định giá chỉ mất khoảng 2 tháng. Nhưng hiện tại, mất đến 2 năm mà vẫn chưa hoàn tất thủ tục hành chính định giá đất này. Chúng tôi rất mong có một cơ chế tháo gỡ kịp thời. Và rất cần sự tham gia mạnh mẽ của báo chí để lên tiếng, phản ánh những vướng mắc cụ thể như thế này. Có như vậy mới tạo ra được thay đổi, giúp cơ chế trở nên thông thoáng hơn, thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Hiệp nhấn mạnh. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn