Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng: Lãi suất sẽ còn cao trong thời gian dài, cảnh báo một ‘cú sốc’ thách thức nền kinh tế và NHTW

Ngày 15/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã có bài phát biểu chuẩn bị trước cho Hội nghị Nghiên cứu Thomas Laubach tại Washington, D.C.
Trong bài phát biểu tập trung vào việc xem xét khung chính sách của ngân hàng trung ương được thực hiện lần cuối vào mùa hè năm 2020, ông Powell lưu ý rằng điều kiện kinh tế đã thay đổi đáng kể trong 5 năm qua.
Trong giai đoạn này, Fed đã chứng kiến lạm phát tăng vọt, buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử. Ông Powell nhấn mạnh dù cho kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn phù hợp với mục tiêu 2% của Fed, kỷ nguyên lãi suất gần bằng 0 khó có khả năng quay trở lại trong ngắn hạn.
Ông nói rằng lãi suất dài hạn có khả năng sẽ cao hơn khi nền kinh tế và chính sách đang thay đổi.
Ông nói: "Các mức lãi suất thực cao hơn có thể phản ánh khả năng lạm phát sẽ biến động mạnh hơn trong tương lai so với giai đoạn giữa các cuộc khủng hoảng của thập niên 2010. Chúng ta có thể đang bước vào giai đoạn có nhiều cú sốc nguồn cung hơn và có khả năng dai dẳng hơn. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương".
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Fed duy trì lãi suất chuẩn gần 0% trong 7 năm. Kể từ tháng 12/2024, lãi suất dao động trong khoảng 4,25% - 4,5%, gần đây nhất ở mức 4,33%.
Những bình luận về “cú sốc nguồn cung” của ông Powell tương tự các cảnh báo gần đây. Ông lưu ý rằng các thay đổi chính sách có thể đặt Fed vào tình thế khó khi phải cân bằng giữa hỗ trợ thị trường việc làm và kiểm soát lạm phát.
Chủ tịch Fed Powell không đề cập đến thuế quan của Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu mới nhất. Nhưng trong những ngày gần đây, người đứng đầu ngân hàng trung ương đã lưu ý đến khả năng thuế quan sẽ làm chậm tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá mức độ tác động của cả hai, đặc biệt là khi ông Trump đã rút lại các mức thuế cao trong khi chờ đợi thời hạn đàm phán 90 ngày.
Dù vậy, Fed vẫn thận trọng trong việc nới lỏng chính sách sau khi đã cắt giảm lãi suất chuẩn 1% vào năm ngoái.
Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai
Về quá trình xem xét khung chính sách, Fed sẽ xây dựng kế hoạch 5 năm để định hướng các quyết định và cách thức truyền tải đến công chúng. Ông Powell cho biết quá trình lần này sẽ xem xét nhiều yếu tố, bao gồm cách Fed truyền đạt kỳ vọng tương lai và đánh giá lại các điều chỉnh từ lần xem xét trước.
Trong bối cảnh hỗn loạn của mùa hè năm 2020, Fed đã công bố cách tiếp cận “mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt”, cho phép lạm phát vượt một chút so với mục tiêu để hỗ trợ việc làm toàn diện. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát nhanh chóng trở nên không còn phù hợp khi giá cả tăng vọt sau đại dịch Covid, buộc Fed phải thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Đợt đánh giá hiện tại sẽ xem xét cách Fed xử lý "sự thiếu hụt" trong mục tiêu lạm phát và việc làm của mình.
Ban đầu, ông Powell và các đồng nghiệp đã bác bỏ đợt lạm phát tăng năm 2021 là “tạm thời” do các yếu tố liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, một số quan chức Fed cho biết khung chính sách năm 2020 không ảnh hưởng đến quyết định giữ lãi suất gần 0% ngay cả khi lạm phát tăng.
Về giải quyết tác động của các cú sốc nguồn cung tiềm tàng, ông Powell nhấn mạnh đến việc cải thiện truyền thông. Dù giới học thuật và thị trường đánh giá cách giao tiếp của Fed là hiệu quả, ông Powell cho rằng vẫn có phần cần cải thiện. Trong những giai đoạn có cú sốc lớn, ông nhấn mạnh Fed cần truyền đạt rõ ràng những hiểu biết của mình về nền kinh tế và triển vọng.
Ông Powell không đưa ra thời điểm cụ thể hoàn thành đợt đánh giá. Ông chỉ nói rằng dự kiến sẽ hoàn thành trong "những tháng tới". Trong lần xem xét trước, ông đã sử dụng bài phát biểu thường niên tại sự kiện Jackson Hole, Wyoming của Fed để công bố chính sách.
Theo CNBC