Chủ đầu tư sân bay Long Thành muốn chia cổ tức kỷ lục

Ban lãnh đạo ACV đang lấy ý kiến cổ đông về phương án phân phối hơn 21.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tích luỹ đến cuối năm 2023. Theo kế hoạch, họ muốn dành hơn 7.130 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, còn khoảng 14.000 tỷ đồng còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới. Phần cổ phiếu lẻ bị huỷ bỏ. Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hoá và lên sàn chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu lên sàn, họ đều đặn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6-9%, sau đó đứt quãng đến nay.
Sau khi phát hành 1,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức ngay năm nay, ACV sẽ tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ đồng lên 35.830 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACV đang giao dịch ở vùng giá 95.000 đồng. Vốn hoá thị trường của họ ở mức 206.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Vietcombank, Vingroup, Vinhomes và BIDV.
ACV hiện quản lý và vận hành 22 sân bay trên cả nước, trong đó gồm 9 cảng hàng không quốc tế. Họ cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha. Trong giai đoạn một, dự án có một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm. Báo cáo tài chính quý đầu năm nay cho thấy chi phí xây dựng ACV đã rót vào dự án sân bay quốc tế Long Thành hơn 14.320 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm, ACV có doanh thu 6.368 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.120 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn phân nửa nguồn thu của họ đến từ phục vụ hành khách; còn lại là dịch vụ cất hạ cánh, dịch vụ mặt đất, đảm bảo an ninh hành khách...
Tổng tài sản hiện xấp xỉ 76.500 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hiện tại gần 34.880 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa sau khi trích quỹ đầu tư phát triển và chia cổ tức, công ty vẫn còn 13.690 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Phương Đông