Chống sạt lở di sản thành nhà Hồ

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay 16 đoạn tường thành sạt lở hoặc trong diện nguy cơ, đang biến dạng với tổng chiều dài 370 m sẽ được xử lý. Dự án có tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành cuối tháng 7.
Theo ông Linh, việc trùng tu, tôn tạo hay gia cố di sản đều được tiến hành thận trọng, đảm bảo hạn chế xâm phạm, làm biến dạng yếu tố nguyên gốc của di tích.
Giải pháp gia cố lần này tập trung vào chống đỡ các khối đá bị xô lệch bằng khung thép cỡ lớn. Đơn vị thi công cũng đóng cọc bêtông cốt thép nhằm gia cố một số đoạn chân thành yếu, phủ lớp chống thấm và tạo rãnh gom nước thoát.
Các loại cây mọc hoang trên bề mặt tường thành có bộ rễ ăn sâu, tác động đến thành đá như duối, sanh, đa hay bồ đề... sẽ được chặt bỏ, vệ sinh sạch sẽ.
Trong thời gian tu sửa, các hoạt động tham quan tại thành nhà Hồ vẫn diễn ra bình thường. Du khách được khuyến cáo không đến gần vị trí nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Ngày 27/6/2011, UNESCO công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.
Lê Hoàng