Chồng mất 4 năm, ngân hàng bất ngờ đến đòi vợ trả 536 triệu đồng và lãi phạt: "Tôi có vay đâu mà phải trả?"

Một người đàn ông Trung Quốc vay ngân hàng hơn nửa tỷ đồng rồi qua đời đột ngột, sau 4 năm ngân hàng mới liên hệ yêu cầu vợ con trả nợ.
Khoản nợ từ "trên trời"
Tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), một vụ việc pháp lý liên quan đến khoản vay sau khi người vay qua đời đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một người đàn ông tên là Từ Đại, làm nghề kinh doanh, đã vay 150.000 NDT (khoảng 536 triệu đồng) từ ngân hàng với thời hạn một năm nhằm phục vụ nhu cầu xoay vòng vốn. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi khoản vay được phê duyệt, ông bất ngờ qua đời vì tai nạn.
Sau khi lo liệu xong hậu sự, vợ ông là bà Úc và con trai đã kế thừa sản của ông Từ Đại và không hề hay biết gì về khoản nợ nói trên.
Bốn năm sau, bà Úc bất ngờ nhận được văn bản hầu tòa, thông báo rằng ngân hàng đã khởi kiện bà và con trai, yêu cầu họ phải hoàn trả toàn bộ khoản vay gốc, lãi suất theo hợp đồng và cả tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Tại phiên tòa, ngân hàng lập luận rằng: do bà Úc là người thừa kế tài sản của ông Từ Đại nên quan hệ vay mượn giữa ông Từ và ngân hàng đã được chuyển giao sang bà Úc. Do đó, bà có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi tài sản thừa kế, bao gồm cả lãi và tiền phạt.
Đáp lại, bà Úc cho biết mình sẵn sàng trả khoản nợ gốc và lãi nếu ngân hàng chứng minh được chồng bà thực sự có vay tiền. Tuy nhiên, bà phản đối việc phải trả tiền phạt, vì mình không hề cố ý vi phạm nghĩa vụ trả nợ và cũng không hề được thông báo về khoản vay này suốt thời gian qua.
Sau khi xét xử, tòa án nhận định rằng: tiền phạt về bản chất là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, trong khi đó ông Từ không cố tình vi phạm mà là vì gặp tai nạn dẫn đến tử vong nên không thể trả nợ đúng hạn.
Ngoài ra, ngân hàng có trách nhiệm chủ động thực hiện quyền lợi của mình trong một khoảng thời gian hợp lý, không thể để quyền lợi đó “ngủ quên” rồi sau đó yêu cầu người thừa kế gánh chịu toàn bộ thiệt hại. Việc ngân hàng không có bất kỳ động thái đòi nợ, xác minh hay thương lượng với người thừa kế suốt bốn năm đã góp phần làm phát sinh thêm thiệt hại, do đó ngân hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Trong phán quyết cuối cùng, tòa án xác định bà Úc có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc và lãi suất theo hợp đồng vay, nhưng không phải đền bù tiền vi phạm hợp đồng.
Vậy tòa căn cứ vào đâu để buộc bà Úc phải trả nợ?
Theo phân tích pháp lý, vấn đề không nằm ở chỗ “vợ phải trả nợ thay chồng” mà là ở việc bà Úc đã thừa kế tài sản của chồng nên đương nhiên phải gánh trách nhiệm thanh toán các khoản nợ phát sinh.
Luật Dân sự Trung Quốc quy định rõ: “Người thừa kế có nghĩa vụ sử dụng giá trị thực tế của tài sản thừa kế để thanh toán thuế và các khoản nợ hợp pháp của người đã khuất.”
Nói cách khác, ai thừa kế thì người đó phải trả nợ, tránh trường hợp người vay qua đời mà người cho vay không được đền bù thiệt hại. Đây là nguyên tắc cơ bản đảm bảo công bằng và quyền lợi hợp pháp cho bên cho vay.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, khoản phạt vi phạm hợp đồng đã bị bác bỏ, vì tòa cho rằng việc ông Từ Đại không trả nợ là do tai nạn bất khả kháng, không phải cố ý vi phạm. Thêm vào đó, ngân hàng đã không thực hiện nghĩa vụ đòi nợ trong suốt 4 năm, khiến thiệt hại ngày càng lớn. Trách nhiệm phát sinh do sự chậm trễ này phải do phía ngân hàng tự chịu.
(Theo Baidu)