Nhảy đến nội dung
 

Chọn ngành học giữa thời đại liên ngành, xuyên ngành

Khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, đây là giai đoạn thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, chọn trường và ngành học phù hợp. Có một vấn đề mới đặt ra trong những năm gần đây, đó là thí sinh chọn ngành gì trong xu hướng mới đào tạo liên ngành, xuyên ngành.

LIÊN NGÀNH VÀ XUYÊN NGÀNH LÀ XU HƯỚNG MỚI

Trước đây, giáo dục ĐH VN chủ yếu đào tạo theo ngành hẹp - tức là mỗi ngành học tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu. Cách tiếp cận này phù hợp khi nền kinh tế phát triển ổn định, nghề nghiệp phân định rõ ràng và người học ít phải thay đổi công việc. Sinh viên (SV) ra trường làm đúng ngành, ít học thêm kỹ năng khác để thích nghi.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số và tự động hóa khiến thị trường lao động ngày càng biến động, phức tạp và khó đoán. Đây là thời đại được gọi là VUCA - gồm Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ). Trong bối cảnh đó, đào tạo ngành đơn lẻ bộc lộ rõ nhiều hạn chế: thiếu khả năng thích nghi, khó chuyển đổi nghề, dễ bị thay thế bởi công nghệ.

Trước thực tế này, nhiều trường ĐH ở VN đã chuyển hướng sang đào tạo liên ngành và xuyên ngành - tức là kết hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong một chương trình học tích hợp. Các trường "lai tạo" các ngành truyền thống để hình thành ngành học có tính ứng dụng rộng hơn.

Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội mở các ngành như khoa học dữ liệu và AI, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hệ thống công nghiệp. ĐH Kinh tế quốc dân phát triển ngành kinh tế số, logistics, quản trị đổi mới sáng tạo. Một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM có các ngành như truyền thông số, công nghệ thông tin trong kinh tế. Trường ĐH Y Dược TP.HCM mở thêm ngành dinh dưỡng, kỹ thuật phục hồi chức năng…

Những ngành học "lai" này không chỉ là đổi mới chương trình, mà còn là phản ứng kịp thời với thực tế, nơi các nghề nghiệp không còn ranh giới rõ ràng như trước.

KẾT NỐI NHIỀU LĨNH VỰC ĐỂ TẠO RA NĂNG LỰC MỚI

Trong thời đại công nghệ lên ngôi, nhiều công việc truyền thống đang dần được thay thế bởi những vị trí đòi hỏi kỹ năng số như lập trình, phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống. Điều đó đặt ra yêu cầu mới cho giáo dục, đào tạo: không chỉ dạy kiến thức chuyên ngành, mà phải hình thành tư duy tích hợp - tức là kết nối nhiều lĩnh vực để tạo ra năng lực mới.

Đào tạo liên ngành và xuyên ngành là cách tiếp cận hiện đại, nơi chương trình học được thiết kế để người học vừa có kiến thức nền tảng vững chắc, vừa có khả năng mở rộng sang các lĩnh vực liên quan. Thay vì chia tách cứng nhắc, chương trình học tích hợp, ví dụ như kết hợp công nghệ với tài chính, y học với dữ liệu, kỹ thuật với tâm lý học.

Theo GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để mô hình này hiệu quả, chương trình cần có phần học bắt buộc tạo nền tảng chuyên môn, kết hợp học phần về công nghệ số, kỹ năng mềm và các môn tự chọn từ nhiều lĩnh vực. Điều này giúp SV không chỉ học để biết, mà học để hiểu rộng, ứng dụng cao và sẵn sàng làm việc trong môi trường nhiều thay đổi.

SV ngành kinh tế có thể học thêm kỹ năng lập trình và phân tích dữ liệu. SV ngành công nghệ thông tin có thể chọn học phần về tâm lý học người dùng, truyền thông sáng tạo hoặc quản trị sản phẩm. Điều này tạo ra những "người học tích hợp" - tức là không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tư duy linh hoạt, thích nghi và hợp tác hiệu quả.

HỌC SINH CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY CHỌN NGÀNH

Trong nhiều năm, học sinh (HS) chọn ngành chủ yếu dựa vào các yếu tố như "dễ xin việc", "điểm chuẩn phù hợp", hoặc "bạn bè cùng chọn". Nhưng trong thời đại liên ngành, cách chọn ngành như vậy chưa đủ.

HS ngày nay cần một tư duy mới: chọn ngành để thích nghi, chuyển đổi và phát triển lâu dài. Điều này đòi hỏi không chỉ chọn ngành mình thích, mà còn hiểu ngành đó tích hợp được gì, có khả năng kết nối ra sao với các lĩnh vực khác và cơ hội nghề nghiệp mở rộng đến đâu.

Thay vì chỉ nhìn vào các ngành quen thuộc như kế toán, luật, y khoa, công nghệ thông tin…, HS nên tìm hiểu sâu hơn về các ngành học tích hợp. Nếu vừa thích công nghệ vừa thích kinh tế thì ngành công nghệ tài chính (fintech) sẽ là lựa chọn lý tưởng. Nếu yêu giáo dục nhưng quan tâm đến công nghệ, hãy khám phá ngành công nghệ giáo dục hoặc tâm lý học giáo dục. Nếu bạn giỏi phân tích xã hội và muốn làm việc với dữ liệu, ngành khoa học dữ liệu xã hội hoặc truyền thông số sẽ rất phù hợp.

Đặc biệt, nhiều trường hiện đã cho phép SV chọn ngành chính - ngành phụ hoặc học phần liên ngành từ khoa khác. SV học ngành marketing vẫn có thể chọn học thêm lập trình hoặc phân tích dữ liệu. Ngược lại, SV công nghệ thông tin có thể học thêm tâm lý người dùng, thiết kế trải nghiệm, quản trị dự án… để mở rộng khả năng làm việc đa lĩnh vực.


NGƯỜI THÀNH CÔNG CẦN BIẾT TƯ DUY ĐA CHIỀU

Trong bối cảnh mới, SV không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn cần biết cách kết nối giữa các lĩnh vực và tạo ra giá trị mới từ sự kết hợp đó. Một người học công nghệ thông tin nếu hiểu thêm về tâm lý học có thể thiết kế ứng dụng phù hợp với hành vi người dùng. Một người học kinh doanh nếu hiểu thêm về dữ liệu và công nghệ sẽ dễ thành công hơn trong các mô hình khởi nghiệp.

Nhiều nghiên cứu quốc tế cũng khẳng định: người thành công trong thế giới việc làm mới là người biết tư duy đa chiều, phối hợp tốt với đội ngũ đa ngành và giải quyết vấn đề bằng lối tiếp cận tổng hợp - điều mà AI khó thay thế.

Liên ngành, vì vậy, không phải là trào lưu. Nó là năng lực sống còn trong thời đại mà mọi thứ đang dịch chuyển quá nhanh.

Vì vậy, khi chọn ngành, HS nên dành thời gian tìm hiểu sâu về chương trình đào tạo, đề án tuyển sinh và triết lý giảng dạy của các trường ĐH. Một ngành học không chỉ cần tên hay, mà còn phải có chương trình học hợp lý, tích hợp được các yếu tố công nghệ, xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng sáng tạo.

Năm 2025, nhiều trường cũng mở rộng tổ hợp xét tuyển cho các ngành tích hợp, như A00, A01, B00, D01, C00, C15, D07… Điều này tạo điều kiện cho HS các khối khác nhau cùng tiếp cận ngành học mới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bạn có thực sự yêu thích, sẵn sàng học tích hợp và khám phá không?

Khi lựa chọn ngành học, HS hãy xem chương trình đào tạo của trường ĐH có học phần công nghệ số, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, học dự án hay không. Đồng thời, xem trường đó có khuyến khích học liên ngành, có giảng viên từ nhiều khoa cùng dạy, có kết nối doanh nghiệp để thực hành thực tế không. Đây là các yếu tố quan trọng giúp SV học không chỉ để thi mà còn để làm, để sống và để dẫn dắt chính mình trong tương lai.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn