Chờ một Eximbank mới

Kết quả kinh doanh ấn tượng cùng nhịp chuyển đổi đang diễn ra ở Eximbank gần đây, khách hàng, đối tác và các cổ đông của ngân hàng dường như đang kỳ vọng sâu sắc về một hành trình trở lại.
Năm 2024, lợi nhuận ngân hàng lần đầu vượt mức 4.188 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng sau hơn 3 thập kỷ hoạt động, nằm trong top 17 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng cao cùng chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) có xu hướng tăng nhanh cho thấy ngân hàng ngày càng phát triển hiệu quả và bền vững.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 19% đạt mức 239.768 tỷ đồng, huy động vốn đạt 178.312 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng cao nhất trong nửa thập kỷ (so với 2019) khi đạt mốc 168.230 tỷ đồng, tăng 27.706 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 19,72% so với đầu năm.
Tín dụng của Eximbank tiếp tục chảy vào phân khúc trọng tâm như Bán buôn, bán lẻ - cho vay cá nhân mua nhà (gần 80.000 tỷ đồng, chiếm 48,3%), sản xuất kinh doanh (gần 36.000 tỷ đồng, chiếm 21,5%) …
Với cơ cấu tín dụng lành mạnh, Eximbank khai thác tốt tệp khách hàng hiện hữu, cũng như khách hàng mới gia tăng. Đặc biệt, dòng tín dụng chảy đúng vào lĩnh vực trọng tâm mà ngân hàng ưu tiên gồm phân khúc ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME, hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank lần đầu chạm ngưỡng 8.558 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm trước. Để kiểm soát tốt chi phí vốn, Eximbank đã tăng cường điều tiết nguồn vốn huy động giữa các kỳ hạn, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Theo thống kê, Eximbank có lượng tiền gửi không kỳ hạn bằng VND và ngoại tệ vượt 22.700 tỷ đồng. Quy mô CASA bình quân tăng trưởng 24,8% so với năm 2023. Thay vì tăng lãi suất đầu ra, ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn, từ đó kiểm soát được chi phí vốn hiệu quả (COF), kết quả NIM đã tăng lên 2,81%.
Chất lượng nợ xấu của Eximbank được cải thiện, trong đó tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 2,53%. Nợ nhóm 2 được duy trì ổn định quanh mức 1%. Nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ 0,073%. Ngân hàng đặt mục tiêu nợ xấu giảm xuống 1,99% năm 2025.
Eximbank đã kiểm soát tốt chi phí hoạt động, tỷ lệ CIR giảm mạnh xuống 39,73% so với mức hơn 47,92% của năm 2023.
Năm 2024, lần đầu tiên sau 10 năm Eximbank trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 3% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 7%, tổng tỷ lệ chi trả 10%. Điều này phần nào phản ánh bức tranh tài chính sáng màu, gia tăng niềm tin của cổ đông vào sự phát triển của ngân hàng về dài hạn.
Eximbank đã đi qua một thập kỷ dài tựa như một "nốt trầm buồn" khi thượng tầng thiếu gắn kết, cổ đông chia rẽ và kết quả kinh doanh trượt dài trong bối cảnh lợi nhuận toàn ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tên tuổi của Eximbank gắn liền với những chủ đề nóng trên truyền thông về "Đại hội cổ đông bất thành" hay "Ai ngồi ghế nóng Eximbank" … Song, những chuyển động gần đây trong nội bộ nhà băng đã phát đi tín hiệu đầy lạc quan về sự đồng thuận lớn giữa các nhóm cổ đông chiến lược cùng ban lãnh đạo ngân hàng.
Tại cuộc họp bất thường cuối tháng 2/2025, các vấn đề HĐQT trình đại hội đều nhận được sự đồng thuận cao. Đơn cử, gần 92% cổ đông Eximbank thông qua việc sửa điều lệ ngân hàng; Trên 97% số phiếu tán thành cho việc bầu thành viên BKS.
Trước đó vào tháng 11/2024, Eximbank cũng tổ chức thành công cuộc họp bất thường với tỷ lệ tán thành lên tới 99,7%. Cổ đông đồng thuận thông qua các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược như chuyển trụ sở ra miền Bắc để mở rộng thị trường.
Cơ cấu tài sản của Eximbank tập trung chủ yếu ở miền Nam với 192.669 tỷ đồng, trong khi đó ở miền Bắc đạt 35.328 tỷ đồng, miền Trung là 18.108 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Tương ứng lợi nhuận trước thuế ở thị trường miền Nam đạt cao nhất với 3.320 tỷ đồng, miền Trung đạt 256 tỷ đồng trong khi đó miền Bắc là 611 triệu đồng. Do đó, quyết định chuyển trụ sở ra Hà Nội của Eximbank được kỳ vọng giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng lớn ở phía Bắc và miền Trung. Đây là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, doanh nghiệp FDI và hệ thống doanh nghiệp xuất nhập khẩu – vốn là phân khúc ưu tiên của Eximbank. Việc khai thác tốt 2 thị trường tiềm năng chưa được khai phá này sẽ giúp nhà băng tăng độ phủ trên toàn quốc.
Một chuyển động mới ở thượng tầng Eximbank gây chú ý là trong danh sách ứng viên hợp lệ được đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ năm 2025-2030 vừa được công bố 27/4, có một lãnh đạo kỳ cựu với thâm niên 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX. Sự xuất hiện của "nhân tố" GELEX trong danh sách 5 ứng viên đã cho thấy quyết tâm của cổ đông lớn trong việc xây dựng Eximbank ngày càng minh bạch, an toàn, hiệu quả và bền vững. Một thay đổi lớn nữa trong cơ cấu HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2025- 2030 đó là việc tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập lên 2/5 người, nhằm nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan và minh bạch.
Sự đồng thuận cùng những nỗ lực ngay ở thượng tầng Eximbank sẽ là khởi đầu mới, chấm dứt "nốt trầm" suốt 1 thập kỷ qua của ngân hàng này.
Hào quang của Eximbank sẽ trở lại khi tất cả cùng chung một tầm nhìn đưa Eximbank trở lại, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, cùng với đó là lợi ích cho người lao động và cổ đông ngân hàng.
Để đạt được mục tiêu cao nhất đó, theo ông Hải, Eximbank sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là một ngân hàng minh bạch, chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả. Người Eximbank nhận thức hành trình phát triển bền vững là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Trên cơ sở kiên định với nền tảng là sự chính trực, tận tụy và sự tử tế, Eximbank lấy khách hàng là trọng tâm, không ngừng đổi mới để phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn, hiệu quả.
Năm 2025 cả nước tràn đầy khí thế, tự tin bước vào một kỷ nguyên mới. Đây cũng là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, đồng thời là lúc xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026-2030. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đứng trước nhiều thay đổi lớn khi Chính Phủ đã có Nghị quyết về kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Các ngân hàng hiện còn thúc đẩy các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, giao dịch thanh toán, thương mại quốc tế gia tăng. Ngân hàng nào nắm bắt được cơ hội sẽ bứt phá mạnh mẽ trở thành định chế tài chính xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển đổi số sẽ quyết định sự phát triển bền vững của các ngân hàng.
Cùng chung xu thế chuyển đổi của ngành ngân hàng, năm 2025, Eximbank xác định "tập trung củng cố nền tảng, thúc đẩy chuyển đổi toàn diện, tạo đà cho tăng trưởng bền vững" là kim chỉ nam và động lực cho mọi hoạt động.
Tại tài liệu ĐHĐCĐ 2025, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10,7% lên 265.500 tỷ đồng, huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 16,2% lên mức 195.500 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm 2024. Đồng thời, Eximbank cũng đề xuất room ngoại ở mức dưới 6% nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào ngân hàng.
Lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh, nhiệm vụ đặc biệt năm 2025 và những năm tới là phát triển nền tảng khách hàng, định vị phân khúc mục tiêu, nâng cao hiệu quả và gia tăng năng lực cạnh tranh. Eximbank sẽ tái cấu trúc tài chính và danh mục tài sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phát huy mô hình xử lý nợ tập trung. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện các chỉ số sinh lời, tăng cường năng lực tài chính và khả năng ứng phó rủi ro.
Theo đó, Eximbank luôn chú trọng kiện toàn năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt đối với rủi ro thanh khoản, thông qua chỉ số an toàn vốn. Eximbank đã có lộ trình triển khai Basel III và IFRS đưa việc công bố thông tin đến chuẩn mực quốc tế. Basel III được xem là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng, nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn vốn, tính thanh khoản, giúp cho các ngân hàng có đủ năng lực để vượt qua các cuộc khủng hoảng, quản trị rủi ro ngay cả trong dự báo tương lai ở những kịch bản căng thẳng. Để thực hiện, Eximbank đã dành nguồn lực lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ, xử lý dữ liệu, đào tạo nhân sự chất lượng cao.
Eximbank đang trong cuộc chuyển đổi số toàn diện nhất từ trước đến nay với mức đầu tư lớn. Ngân hàng đã xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số với các ứng dụng chủ lực EDigi (khách hàng cá nhân), Ebiz (khách hàng doanh nghiệp), giao dịch ngoại tệ online, vàng online, Teller app... Ngân hàng cũng tăng tốc triển khai AI, Gen AI, Robotics, Big Data…tạo dẫn sự khác biệt về tốc độ cung cấp dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tăng hiệu suất ngân hàng. Các Gen AI được ứng dụng như một trợ thủ đắc lực trong quy trình tiếp cận và thẩm định khách hàng, giúp đội ngũ kinh doanh Eximbank tiếp cận hơn 200.000 khách hàng mỗi năm, gia tăng khả năng tìm kiếm khách hàng tiềm năng và cá nhân hóa sản phẩm một cách tối ưu.
Năm 2025, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh 3 dự án số trọng điểm: hệ thống Core thẻ mới, nền tảng ngân hàng số Omni Channel, Open Banking và các dự án số hóa LOS/BPM, RPA, AI – Gen AI.
2025 là năm bản lề của Eximbank, năm đặt nền móng cho một giai đoạn mới bứt phá vươn tầm cùng đất nước. Người Eximbank đổi mới tư duy, chủ động thích ứng trước mọi biến động vĩ mô, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng.
Với vị thế là một trong những ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại hối lớn nhất Việt Nam, Eximbank có những lợi thế lớn trong xu hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh chính sách thuế đối ứng của Mỹ gia tăng áp lực, Eximbank đã chọn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp FDI "vượt sóng" kinh tế toàn cầu, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Ánh Dương
Thanh Niên Việt