Cho khấu trừ chi phí thiết yếu trước khi tính thuế

Ngoài mức giảm trừ gia cảnh, lần đầu tiên một số chi phí thiết yếu được đề xuất khấu trừ trước khi nộp thuế thu nhập cá nhân.
Được phép khấu trừ chi phí y tế, giáo dục
Hồ sơ dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã đưa ra các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Cụ thể, người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế cho các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định. Các khoản chi này phải đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định và không được chi trả từ nguồn khác. Đây là lần đầu tiên luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nêu rõ khoản giảm trừ chi phí y tế, giáo dục đào tạo của người dân.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho biết theo luật Thuế TNCN hiện nay, người nước ngoài được khấu trừ toàn bộ chi phí cho con đi học tại VN. Chính vì vậy, quy định cho khấu trừ chi phí giáo dục, đào tạo đối với người nộp thuế và người phụ thuộc là hợp lý và công bằng. "Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về miễn và hỗ trợ học phí, áp dụng với trẻ mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông cho năm học bắt đầu từ tháng 9 tới đây. Ngay cả học sinh theo học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục cũng sẽ được hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, khoản chi phí cho bản thân người nộp thuế tự đào tạo liên tục trong suốt quá trình làm việc và cho con học đại học, cao đẳng, trường nghề cũng là khoản chi thiết yếu hằng năm thì chưa được hỗ trợ.
Vì vậy, Chính phủ có thể quy định một mức tối đa về khoản phí giáo dục, đào tạo được khấu trừ như 20 triệu đồng/người/năm", ông Xoa đề xuất. Còn chi phí y tế cũng là một gánh nặng với người nộp thuế. Bởi đa số các gia đình sẽ có con cái, cha mẹ cần phụ giúp, chăm sóc. Đặc biệt các bệnh hiểm nghèo luôn cần phải sử dụng thuốc đặc trị đắt tiền, các kỹ thuật cao trong điều trị mà bảo hiểm y tế không chi trả hết. Vì vậy, Chính phủ có thể quy định mức tối đa về chi phí y tế được khấu trừ trong năm, có thể bằng tối đa 20% thu nhập chịu thuế.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hoan nghênh dự thảo luật quy định khấu trừ chi phí y tế, học hành bởi đây là khoản chi thiết yếu của mọi gia đình. Bản thân người nộp thuế cũng phải tự đào tạo liên tục để phát triển nghề nghiệp, gia tăng thu nhập. Chính phủ có thể quy định mức tối đa theo học phí các trường công lập từ tiểu học đến đại học. Riêng bản thân người nộp thuế cũng cần có những chi phí tự đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ như học ngoại ngữ, học về công nghệ mới như AI hay các khóa học ngắn hạn liên quan trực tiếp đến công việc. Chính phủ có thể quy định một mức khấu trừ tối đa trong từng năm mà người nộp thuế được khấu trừ. Bên cạnh đó, cho phép người nộp thuế TNCN được khấu trừ chi phí y tế phải trả của phần còn lại sau khi bảo hiểm thanh toán, nhất là đối với bệnh hiểm nghèo và các bệnh điều trị lâu dài.
Nên cho khấu trừ chi phí lãi vay mua nhà, tiền thuê nhà, điện, nước...
Một số chuyên gia cho rằng ngoài chi phí y tế và giáo dục đào tạo, cần xem xét bổ sung thêm một số khoản chi thiết yếu khác trước khi tính thuế TNCN. Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất nên cho người nộp thuế được khấu trừ lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên để đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp cho các gia đình. Trong đó có thể quy định khoản tiền vay tối đa như được khấu trừ lãi vay tối đa 1 tỉ đồng và điều này cũng phù hợp với mục tiêu khuyến khích phát triển thị trường nhà ở tại VN.
Luật sư Trần Xoa cũng đồng tình với việc xem xét cho khấu trừ trước khi nộp thuế TNCN một phần tiền lãi vay mua nhà đầu tiên của các gia đình. Hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo nhà ở cho người dân. Một trong những chính sách đang được áp dụng là người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội sẽ được vay lãi suất thấp hơn 2% mỗi năm so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank. Mức lãi suất này được xác định trong 5 năm đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân. Để chính sách lan tỏa rộng hơn thì có thể xem xét cho phép khấu trừ lãi vay mua nhà đầu tiên đối với những người đang nộp thuế TNCN (chủ yếu là người làm công ăn lương).
Mức khấu trừ có thể là 50% số lãi vay nhưng không quá 50 triệu đồng/năm trong thời gian 5 năm kể từ thời điểm giải ngân. Ví dụ hiện nay người vay mua nhà 1 tỉ đồng với lãi suất khoảng 7%/năm, tương ứng số tiền lãi phải trả là 70 triệu đồng/năm thì sẽ được khấu trừ chi phí trước khi tính thuế thu nhập 35 triệu đồng/năm. Trường hợp các năm sau lãi suất tăng hơn thì người nộp thuế sẽ được khấu trừ cao hơn nhưng vẫn không quá mức 50 triệu đồng/năm.
Ở một góc độ khác, TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, phân tích chi phí thiết yếu cần tập trung vào những khoản chi áp dụng cho nhu cầu của tất cả hoặc hầu hết người nộp thuế TNCN. Chẳng hạn, Chính phủ có thể cân nhắc đưa thêm các khoản chi như tiền điện, tiền nước, tiền thuê ngôi nhà duy nhất vào danh sách chi phí được khấu trừ. Đó đều là những khoản chi thiết yếu thực sự cần thiết và thiết thực đối với tất cả người nộp thuế TNCN, bên cạnh các chi phí cho y tế và giáo dục.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhấn mạnh các khoản tiêu dùng thiết yếu bao gồm học phí, bảo hiểm tự nguyện hay các khoản chi tiêu "gia cảnh" như phụ nữ mang thai, sinh con, chăm sóc người già đau ốm… Trên thực tế, nhiều quốc gia đã cho phép khấu trừ các khoản chi này bởi chúng phản ánh đúng năng lực tài chính thực sự sau khi người dân trang trải những chi phí thiết yếu hoặc cần được khuyến khích (như giáo dục, bảo hiểm). Ví dụ, một người thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng phải chi 8 triệu cho học phí mầm non và viện phí cho mẹ già thì phần còn lại để chi tiêu thực tế chỉ tương đương với người thu nhập 12 triệu. Chính phủ có thể quy định một mức trần, chẳng hạn tối đa 30% thu nhập chịu thuế để người dân khấu trừ những khoản chi thiết yếu, đồng thời đảm bảo quản lý được rủi ro thất thu ngân sách.
Thay tư duy cải cách thuế TNCN
Việc sửa đổi luật Thuế TNCN đợt này được kỳ vọng sẽ khắc phục hiệu quả các bất cập, vướng mắc phát sinh từ việc thực hiện luật hiện hành để đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; tạo ra hệ thống thuế hiện đại, công bằng, phù hợp với xu hướng phát triển và các mục tiêu lớn của VN, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển tiến vào kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế, các địa phương và người nộp thuế đều mong muốn cơ quan soạn thảo luật sẽ xem xét, sửa đổi toàn diện.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất: "Trong lần sửa đổi luật thuế TNCN đợt này, có mấy quy định quan trọng cần thay đổi". Đó là điều chỉnh biểu thuế theo mức thu nhập mới (tương ứng mức giảm trừ gia cảnh mới); Điều chỉnh trượt giá theo hằng năm và đồng thời cứ 5 năm đánh giá lại. Song song đó, ngưỡng giảm trừ gia cảnh cần áp dụng theo 4 vùng dựa trên mức sống; cho phép khấu trừ chi phí thiết yếu gồm giáo dục, đào tạo, y tế, bảo hiểm và cuối cùng là phân cấp một phần thiết kế chính sách thuế cho địa phương. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được áp dụng đồng đều trên toàn quốc, bất chấp sự khác biệt lớn về chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền. Mặc dù gọi là "giảm trừ gia cảnh" nhưng thực tế không phản ánh đúng gia cảnh. Trong khi chính sách tiền lương đã phân chia mức lương tối thiểu theo 4 vùng, thì thuế TNCN vẫn đang cào bằng. Người ở TP.HCM hay Hà Nội, nơi giá nhà, học phí, thực phẩm đều cao thì cũng chỉ được giảm trừ y hệt như người ở vùng sâu, vùng xa. Điều này khiến thuế TNCN trở nên méo mó, thiếu tính thực tế.
Do đó, cần thay đổi cách điều chỉnh mức giảm trừ theo vùng, dựa trên hệ số lương tối thiểu hoặc chi phí sinh hoạt thực tế. Bên cạnh đó, theo định hướng tăng cường phân cấp ngân sách, Chính phủ nên cân nhắc phân cấp một phần quyền thiết kế chính sách thuế TNCN cho địa phương trong một khuôn khổ pháp lý chung do Quốc hội hoặc Chính phủ quy định. Những đô thị đặc thù như TP.HCM hay Hà Nội có thể được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hoặc khấu trừ chi phí sống theo thực tế địa phương. Điều này không chỉ giúp chính sách trở nên linh hoạt và sát thực tế hơn mà còn tạo động lực để địa phương chủ động điều tiết và phân bổ nguồn lực tài khóa hiệu quả.
"Cải cách thuế TNCN không thể chỉ xoay quanh vài con số giảm trừ. Cần một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, tính đến sự khác biệt vùng miền, thay đổi theo thời gian, đặc thù chi tiêu và vai trò ngày càng quan trọng của chính quyền địa phương. Một hệ thống thuế tốt không chỉ thu đúng mà còn hỗ trợ đúng, khuyến khích đúng và điều tiết đúng. Nếu lần cải cách này được thực hiện đến nơi đến chốn, thuế TNCN không chỉ mang lại công bằng thực chất cho người dân mà còn là một bước tiến lớn trong việc nâng cao tiềm lực tài khóa quốc gia", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Luật sư Trần Xoa cũng cho rằng thuế TNCN ảnh hưởng đến đại đa số người dân, trong đó đối tượng chính là người làm công ăn lương nộp thuế hằng năm, mang tính thường xuyên. Vì vậy, quy định về mức khởi điểm chịu thuế là quan trọng nhất. Điều đó liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh và các khoản chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh đã được bàn thảo và có nhiều ý kiến đề xuất nên cần tính theo lương tối thiểu vùng mà Chính phủ đã quy định để việc thực hiện dễ hơn, không cần phải điều chỉnh định kỳ.
Song song đó, xây dựng biểu thuế lũy tiến cần phù hợp như giảm bậc, kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và giảm thuế suất, đặc biệt xem xét bỏ thuế suất 35% vì quá cao so với thu nhập của người dân. Ngoài ra những quy định bất hợp lý như thu nhập của người phụ thuộc, thu nhập vãng lai… cũng cần được sửa đổi để không còn bị lạc hậu trong luật. Quan trọng hơn, những quy định trong luật Thuế TNCN hiện nay đã được chỉ ra là không còn phù hợp thì cần sớm được chỉnh sửa và thực hiện nhanh nhất. Điều đó chứng tỏ Chính phủ đồng hành cùng người dân, khuyến khích người nộp thuế cũng như góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sắp tới.