Cho đồng nghiệp mượn nhà miễn phí, sau 15 năm lấy lại, người phụ nữ bị yêu cầu bồi thường, tòa án: Chị phải trả 200 triệu đồng

Người phụ nữ này đã cho đồng nghiệp mượn nhà nhưng không lấy tiền. Đến khi cần sử dụng và muốn lấy lại nhà, bà đối diện với yêu cầu hết sức vô lý.
Giúp đỡ đồng nghiệp lúc khó khăn
Tại Thượng Hải, Trung Quốc câu chuyện về Tô Mỹ Hương và Ngụy Minh Viễn đã trở thành tâm điểm chú ý, không chỉ vì sự hào phóng hiếm có mà còn vì cái kết bất ngờ, phơi bày sự phức tạp của lòng người. Từ một hành động giúp đỡ đầy nhân ái, Tô Mỹ Hương bất ngờ rơi vào một cuộc chiến pháp lý với chính người đồng nghiệp mà cô từng dang tay cứu giúp.
Tô và Ngụy từng là đồng nghiệp thân thiết tại một công ty ở Thượng Hải. Ngụy cùng vợ là Lý Huệ, vốn có một cuộc sống ổn định bên đứa con nhỏ. Tuy nhiên, bi kịch ập đến khi chị vợ đầu tư toàn bộ tài sản vào một dự án và bị lừa mất 2 triệu NDT. Số tiền khổng lồ này khiến gia đình ông rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, bị các chủ nợ truy tìm, đứng trước nguy cơ không còn nơi để ở.
Chứng kiến hoàn cảnh khốn khó của đồng nghiệp, bà Tô không khỏi xót xa. Với lòng trắc ẩn, bà quyết định nhường căn nhà ba phòng ngủ, một phòng khách cho gia đình người đồng nghiệp. Bà tuyên bố không lấy tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mọi chi phí dịch vụ phải do gia đình Ngụy Minh Viên chi trả.
Không dừng lại ở đó, bà Tô còn tự bỏ tiền túi mua chăn ga gối đệm, đồ dùng nhà bếp mới, thậm chí hỗ trợ thêm tiền đề phòng trường hợp khẩn cấp cho gia đình ông Ngụy. Với bà, đây chỉ là một hành động giản đơn, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ những người đang chật vật giữa nhịp sống khắc nghiệt của thành phố lớn.
Yêu cầu bồi thường
Cho người đồng nghiệp mượn nhà trong suốt 15 năm, đến năm 2022, do cần tiền để đầu tư, bà Tô yêu cầu Ngụy Minh Viễn chuyển ra ngoài để lấy lại nhà. Khi tiếp nhận thông tin này, thay vì vui vẻ hợp tác, ông Ngụy lại có hành động lạ. Ông một mực từ chối chuyển đi, còn yêu cầu được bồi thường chi phí cải tạo nhà là 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng).
Yêu cầu này khiến Tô Mỹ Hương sững sờ. Bà không thể tin rằng lòng tốt của mình lại bị đáp trả bằng sự đòi hỏi vô lý đến vậy. Bà khẳng định sự cải tạo đó chỉ nhằm phục vụ cuộc sống gia đình ông Ngụy. Vì thế, bà không có trách nhiệm phải chi trả số tiền này.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bà quyết định kiện Ngụy Minh Viễn, yêu cầu ông và gia đình rời khỏi căn nhà ngay lập tức.
Vụ việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận. Hàng xóm, đồng nghiệp và cả cộng đồng đều bàn tán về hành vi của Ngụy Minh Viễn, cho rằng ông đã lợi dụng lòng tốt của Tô Mỹ Hương một cách vô tâm. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông với bà Tô, đồng thời lên án hành động thiếu đạo đức của người đàn ông.
Trong suốt quá trình tranh chấp, Tô Mỹ Hương vẫn kiên định với niềm tin rằng mình đã hành động đúng. Bà giúp gia đình ông Ngụy vì lòng thương cảm, nhưng không ngờ lại bị đối xử như vậy.
Theo Bộ luật Dân sự (Trung Quốc), quyền sở hữu nhà ở là quyền của cá nhân hoặc tổ chức được pháp luật công nhận và bảo vệ, cho phép họ có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, định đoạt đối với ngôi nhà mà họ sở hữu. Sau khi xét xử, tòa án công nhận bằng chứng về quyền sở hữu căn nhà mà bà Tô cung cấp là hợp lệ. Từ đó, tòa án phán quyết Ngụy Minh Viễn và gia đình phải rời khỏi căn nhà của bà Tô trong vòng 7 ngày.
Còn về khoản bồi thường về các hạng mục đã sửa chữa trong căn nhà, tòa án xác định và yêu cầu bà Tô phải hoàn cho gia đình ông Ngụy số tiền là 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng).
Câu chuyện này là lời nhắc nhở rằng lòng tốt là điều đáng quý, nhưng cũng cần đi kèm sự cẩn trọng, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề tài sản lớn. Trong xã hội hiện đại, nơi mà lòng tin đôi khi bị lợi dụng, việc giúp đỡ người khác cần được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ cả người nhận lẫn người cho.
(Theo Sohu)