Nhảy đến nội dung
 

Chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, phố Tây... nay thuộc phường Bến Thành mới

Sau điều chỉnh địa giới, nhiều địa danh nổi tiếng TP.HCM như chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, phố Tây Bùi Viện… đều thuộc phường Bến Thành mới.

Sau khi TP.HCM thực hiện việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, phường Bến Thành mới chính thức ra đời. Phường Bến Thành mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, cùng một phần diện tích của 2 phường Cầu Ông Lãnh và Nguyễn Thái Bình của Q.1 cũ. Trụ sở hành chính đặt tại số 92, đường Nguyễn Trãi.

Địa giới phường Bến Thành mới hiện nay gồm: phía đông - bắc giáp phường Sài Gòn (ranh giới là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); phía tây - bắc giáp phường Bàn Cờ, phường Xuân Hòa (ranh giới là đường Nguyễn Thị Minh Khai); phía tây - nam giáp phường Cầu Ông Lãnh (ranh giới là các đường Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học); phía đông - nam giáp kênh Bến Nghé.

Trên địa bàn phường có các trục đường chính như: Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt… Đây là những tuyến đường huyết mạch nối liền giữa các phường trong thành phố, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển của người dân.

Nơi đây cũng bao gồm nhiều địa danh mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng của TP.HCM như: Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, trụ sở Hỏa xa, nhà chú Hỏa cho đến phố Tây Bùi Viện… tất cả đều cùng hội tụ trong địa phận phường Bến Thành mới, tạo nên một trong những điểm đến sôi động, đa sắc màu ở thành phố.

Là biểu tượng lâu đời của TP.HCM, chợ Bến Thành được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Với hình ảnh đồng hồ lớn ở cổng Nam, những sạp hàng sầm uất với đủ loại đặc sản, quà lưu niệm... đây là nơi không thể bỏ qua trong hành trình khám phá TP.HCM của du khách trong và ngoài nước. Dù trải qua nhiều lần trùng tu và nâng cấp, không gian chợ vẫn giữ được nét đặc trưng của Sài Gòn xưa, vừa gần gũi vừa náo nhiệt.

Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, từ năm 1975 đến nay chợ đã trải qua 4 lần trùng tu, cải tạo lớn. Lần cải tạo và trùng tu thứ nhất kéo dài từ ngày 1.7 - 25.8.1985. Từ nhà lồng chợ cho đến các gian hàng đều được làm mới, chỉ có hình dáng phía trước và tháp đồng hồ được giữ lại. Lần thứ hai vào năm 1992, chợ được cải tạo hệ thống điện. Tất cả các sạp được nâng cấp từ sạp cây sang sạp sắt.

Lần thứ ba vào năm 1999, chợ được chỉnh sửa hệ thống cống rãnh, thay mái ngói thành mái tôn và nền được lát gạch ceramic. Cuối cùng vào tháng 4.2023 chợ được sơn lại 4 mặt tiền và đèn chiếu sáng mỹ thuật, vừa mang tính thẩm mỹ, hiện đại vừa giữ được nét cổ kính. Việc sơn lại công trình không chỉ trên bình diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn giúp làm đẹp cảnh quan của trung tâm TP.HCM.

Ngay gần đó là tòa nhà trụ sở Hỏa xa, nay là trụ sở Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn. Công trình kiến trúc kiểu Pháp này được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái ngói dốc, cửa vòm cao rộng, tường dày, hành lang sâu… Đây từng là điểm kết nối giao thương quan trọng, nơi tàu hỏa chở hàng và hành khách tỏa đi khắp miền Nam. Hiện nay, tòa nhà vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản.

Không xa chợ Bến Thành là ngôi nhà cổ kính từng của Chú Hỏa (ông Hui Bon Hoa), một trong những doanh nhân gốc Hoa giàu có và nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn đầu thế kỷ trước. Tòa nhà này hiện là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, được nhiều người biết đến nhờ những mảng tường gạch vàng, cầu thang gỗ, họa tiết kính màu nghệ thuật, sàn lát gạch bông Pháp cổ. Bước vào đây, không chỉ được chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ thuật, du khách còn như được sống lại khung cảnh Sài Gòn thượng lưu một thời.

Nằm cuối trục đường Lê Duẩn là Dinh Độc Lập, một công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử đặc biệt và là biểu tượng của TP.HCM, sự thống nhất đất nước. Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom. Công trình được khởi công ngày 23.2.1868 và hoàn tất vào năm 1871 do viên thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam là Lagradìere đặt viên đá đầu tiên.

Ngày 12.8.2009, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước.

Ở phía tây - nam phường Bến Thành mới là phố Tây Bùi Viện, nơi hội tụ của những quán bar, pub, nhà hàng, khách sạn, nơi du khách quốc tế và dân địa phương hòa mình vào không khí náo nhiệt suốt đêm. Dọc con phố chỉ dài hơn 1 km này là đủ loại âm nhạc, ánh sáng và sắc màu văn hóa. Với nhiều người trẻ, Bùi Viện chính là "phố không ngủ", nơi hội họp bạn bè sau giờ làm việc, là điểm check-in quen thuộc vào mỗi dịp cuối tuần.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn