Nhảy đến nội dung
 

Chính thức thử nghiệm cho vay ngang hàng

Các doanh nghiệp đã có thể đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P) kể từ ngày 1.7.

Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký thử nghiệm

Nghị định 94/2025 của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực từ 1.7.2025. Nghị định 94 có 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm (sandbox) gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), và cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong đó, cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tuyến giữa người vay và người cho vay mà không cần qua trung gian tài chính truyền thống.

Thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào năm 2020, VN có khoảng 100 công ty P2P Lending như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan… Đa số các nền tảng P2P hoạt động theo phương thức P2P truyền thống, đối tượng khách hàng chủ yếu là khách hàng vay tiêu dùng và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các khoản cho vay chủ yếu là vay tín chấp, tập trung ở các thành phố lớn, có nguồn vốn nhỏ. Lãi suất cho vay thường không quá 20%/năm, nhưng thu nhiều loại phí, như phí tư vấn, phí trả nợ trước hạn; và tổng các khoản phí và lãi khách hàng phải trả thậm chí lên đến 30 - 50%/tháng. Đến thời điểm hiện nay, nhiều sàn đóng cửa, số còn lại duy trì hoạt động nhiều năm nay. Các doanh nghiệp đang hoạt động P2P trong "vùng xám" có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 2, thông tin: NHNN đã và đang triển khai thực hiện thông tin truyền thông và tổ chức hướng dẫn thủ tục và hồ sơ xử lý. Các tổ chức đăng ký tham gia thử nghiệm P2P Lending có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về NHNN. Đối với đơn vị xin cấp phép tham gia được đề cập cụ thể tại điều 12 Nghị định 94. Trong đó hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm đối với công ty Fintech có đăng ký thử nghiệm giải pháp P2P Lending phải có đề án mô tả giải pháp cho vay ngang hàng, kế hoạch thử nghiệm, hồ sơ nhân sự… Sau khi công ty nộp hồ sơ đầy đủ và đáp ứng điều kiện tiêu chí theo quy định cũng như không có vướng mắc thì thời gian thẩm định, xét duyệt (bao gồm cả phối hợp có bộ, ngành; khảo sát thực tế tại đơn vị…) là 90 ngày. Các công ty đủ điều kiện sẽ được cấp giấy hoạt động.

Ông Hồ Sỹ Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn TIMA, cho biết công ty đã chủ động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, hệ thống, quy trình, tiêu chuẩn nội bộ ngay khi điều kiện pháp lý cho phép. Tham gia sandbox không chỉ là giai đoạn thử nghiệm, mà là cơ hội để TIMA hợp thức hóa mô hình vận hành đã đầu tư bài bản suốt gần 10 năm.

"Tôi cũng đồng thuận với định hướng quy định chặt chẽ trong thời gian thử nghiệm. Bởi thời gian qua, việc một số tổ chức lấy danh nghĩa P2P để vận hành như "tín dụng đen", núp bóng danh nghĩa P2P Lending để trực tiếp cho vay online qua ứng dụng web/app, điều kiện cho vay lỏng lẻo, điều khoản mập mờ nhưng đồng thời áp dụng lãi suất rất cao kèm theo các cách thức đòi nợ kém văn minh, thậm chí phi pháp đã làm méo mó nhận thức thị trường", ông Hồ Sỹ Thuận giải thích và nói thêm, Nghị định 94 quy định rõ các đơn vị tham gia cần báo cáo định kỳ hằng quý cho các cơ quan giám sát. Điều đó vừa để cơ quan giám sát nắm bắt được tình hình và cũng là cơ hội để các đơn vị tham gia thử nghiệm đề xuất những tháo gỡ vướng mắc cần thiết trong quá trình triển khai.

Đại diện một sàn P2P đã hoạt động khoảng 8 năm đang tìm hiểu về hồ sơ tham gia đợt thử nghiệm lần này cũng thừa nhận thời gian qua, ngoài tính pháp lý chưa có, còn thêm mức độ cạnh tranh khá cao nên các công ty P2P cũng hoạt động cầm chừng. Hoạt động P2P Lending tại Trung Quốc, Hàn Quốc… không còn tích cực như trước nên ít thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư hơn. Điều này khiến công ty cũng ngần ngại trong việc đăng ký tham gia.

Đưa P2P Lending từ vùng xám vào quản lý

Dù vui mừng vì mô hình này đã có tính pháp lý nhưng ông Hồ Sỹ Thuận thừa nhận vấn đề khó khăn nhất là việc xuất hiện hàng trăm mô hình vay online biến tướng hoành hành khiến thị trường hiểu nhầm về mô hình P2P Lending. Việc bị đánh đồng với "tín dụng đen" không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín mà còn làm chậm khả năng mở rộng đối tác, huy động vốn từ các quỹ đầu tư, thậm chí là tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, nhu cầu vay tiêu dùng và kinh doanh ở VN là rất lớn, đặc biệt với nhóm khách hàng dưới chuẩn của NH với hàng chục triệu cá nhân và hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

"P2P Lending hay cho vay ngang hàng là một nền tảng công nghệ trung gian đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa những nhóm khách hàng đó (bên vay) với bên cho vay, khác biệt với các tổ chức tín dụng truyền thống là sẽ trực tiếp cho vay. Mô hình này giúp mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho nhóm khách hàng mà hệ thống tài chính truyền thống khó phục vụ, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình - thấp, tiểu thương, lao động tự do… Công nghệ giúp đơn giản hóa quy trình vay, đặc biệt là eKYC, AI chấm điểm tín dụng, hệ thống số hóa hỗ trợ giao dịch online…, từ đó tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và tăng trải nghiệm người dùng. Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã xác định đây không chỉ là cuộc chơi công nghệ, mà còn là bài toán dài hạn về quản trị rủi ro, niềm tin thị trường và trách nhiệm với hệ sinh thái tài chính công nghệ", ông Thuận giải thích.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng P2P Lending là cho vay giữa các cá nhân với nhau nên cần có hành lang pháp lý cũng như kiểm soát hoạt động chặt chẽ. Những quy định lựa chọn đơn vị trong đợt thử nghiệm nhằm thanh lọc, loại trừ các trường hợp doanh nghiệp "mượn" mác P2P Lending để thực hiện các hành vi lừa đảo, huy động và sử dụng vốn trái phép của người dân. Ngoài ra, Nghị định 94 không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng như các công ty cầm đồ được đăng ký. Với những điều kiện này thì các công ty đang "lách" theo hình thức cầm đồ có thể sẽ phải thay đổi đăng ký kinh doanh cho phù hợp với điều kiện đưa ra. Chính vì vậy khả năng doanh nghiệp đăng ký tham gia thử nghiệm đợt đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để tránh tín dụng đen lợi dụng cho vay trên sàn P2P Lending lãi suất cao, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất dù giao dịch trên sàn này là thỏa thuận nhưng cần tuân thủ quy định tại luật Dân sự là lãi suất không quá 20%/năm. Khi các nhà đầu tư tham gia trên sàn nhiều, cạnh tranh trên sàn lớn thì có thể lãi suất sẽ không cao đến mức này. "Lãi suất trên các sàn này tốt hơn khi tuân thủ những quy định của nhà nước, chi phí dịch vụ. Đây là kênh đầu tư tốt được pháp luật bảo vệ thì sẽ thu hút người có tiền tham gia. Những người có tiền dựa vào công cụ đánh giá tín nhiệm người vay của sàn để cho vay. Hy vọng mô hình này sẽ được triển khai tốt trong thời gian tới", ông Nguyễn Trí Hiếu nói. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn