Chính sách giáo dục từ tháng 5: Học sinh nào được cấp 15 kg gạo/tháng?

Trong tháng 5 có 2 chính sách giáo dục mới có hiệu lực, liên quan đến tuyển sinh ĐH và trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Được cấp chăn, màn, hỗ trợ gạo, tiền tàu xe
Một trong 2 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5, đó là Nghị định số 66 của Chính phủ, quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Theo đó, trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị ĐH, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được hưởng các chế độ như hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, gạo, tiền tàu xe, học bổng với các mức được quy định chi tiết so với Thông tư liên tịch 109 năm 2009 và Nghị định 116 năm 2016.
Cụ thể, trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi tháng 360.000 đồng. Học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ mỗi tháng 936.000 đồng, ngoài ra được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng tiền nhà ở nếu tự túc chỗ ở và 15 kg gạo mỗi tháng.
Đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị ĐH, ngoài mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng, nếu đạt danh hiệu “học sinh xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng/học sinh, “học sinh giỏi” được thưởng 600.000 đồng/học sinh. Nghị định này đã bỏ quy định học sinh khá được thưởng 400.000 đồng/em.
Bên cạnh đó, được cấp một lần bằng hiện vật gồm chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh; mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh.
Học sinh cũng được hỗ trợ tiền tàu xe 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, mỗi học sinh cũng được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo.
Thí sinh xét tuyển thẳng cũng phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống
Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022, có hiệu lực vào ngày 5.5, đã có nhiều thay đổi so với quy định cũ.
Bên cạnh việc bỏ xét tuyển sớm, xét tuyển học bạ phải dựa trên kết quả cả năm lớp 12, các trường phải công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển, không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển, thì thông tư này cũng sửa đổi quy định về xét tuyển thẳng.
Theo đó, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển thẳng thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT để lựa chọn chương trình, ngành, nhóm ngành đã trúng tuyển thẳng tại một cơ sở đào tạo hoặc đăng ký nguyện vọng xét tuyển khác.
Thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học theo kế hoạch chung chứ không được xác nhận nhập học sớm như quy định tại thông tư năm 2022. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh cam kết nhập học hoặc xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.