Nhảy đến nội dung
 

Chính quyền Trump gửi thông điệp mới về xung đột tới Nga, Ukraine, châu Âu

Phó tổng thống Mỹ JD Vance mới đây cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không sớm kết thúc, theo kênh Fox News.

"Giờ đây, Nga và Ukraine sẽ phải tự quyết định khi mỗi bên đều biết các điều khoản hòa bình của bên kia là gì. Họ sẽ phải tự đưa ra thỏa thuận và chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc này", Phó tổng thống Mỹ JD Vance nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Fox News hôm 1.5, theo Reuters.

Ông Vance còn nói rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm qua "sẽ không đi đến đâu cả" và "sẽ không sớm kết thúc".

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh sẽ cần phải có rất sớm bước đột phá thực sự về cuộc xung đột Nga-Ukraine, nếu không Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định dành thêm bao nhiêu thời gian cho vấn đề này.

"Tôi nghĩ chúng ta biết [lập trường] Ukraine ở đâu, và chúng ta biết Nga ở đâu ngay lúc này... Họ đang ở gần hơn, nhưng vẫn còn cách xa nhau", ông Rubio nói thêm trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News ngày 1.5.

Cũng trong ngày 1.5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong cuộc họp với Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot, ông Rubio đã thúc giục các đồng minh châu Âu cam kết nhiều nguồn lực hơn cho Ukraine, cảnh báo rằng "lời nói là không đủ" để chấm dứt xung đột ở Ukraine và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.

Trong cuộc gặp, ông Rubio ca ngợi sự dẫn đầu của Pháp trong việc xây dựng sự ủng hộ cho một thỏa thuận hòa bình, nhưng nhấn mạnh các đối tác châu Âu phải "tăng cường nguồn lực thực sự và ý chí chính trị" nếu họ hy vọng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, theo trang tin The Kyiv Independent dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.

Cuộc gặp nói trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có lo ngại ngày về khả năng thực hiện các cam kết quốc phòng của châu Âu. Theo tạp chí Times ngày 30.4, các quốc gia châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp thậm chí chỉ 25.000 quân cho một "lực lượng răn đe" đa quốc gia được đề xuất cho Ukraine, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 64.000 quân do các quan chức quốc phòng Anh đề xuất lúc đầu.

Kế hoạch này, một phần của cái gọi là "liên minh những người sẵn sàng" do Anh và Pháp dẫn đầu, nhằm bảo đảm sự ổn định sau xung đột, xây dựng lại quân đội Ukraine và ngăn chặn Nga tái phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hiện tại, Mỹ được cho là đang cung cấp hỗ trợ tình báo và hậu cần nhưng đã từ chối cam kết triển khai quân đến Ukraine. Trong nhiều tuần, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thúc giục Tổng thống Trump đưa ra cam kết chính thức, cảnh báo rằng sự hậu thuẫn của Mỹ là điều cần thiết cho khả năng tồn tại của "liên minh những người sẵn sàng".

Theo Viện theo dõi viện trợ Ukraine thuộc Viện kinh tế thế giới Kiel (Đức), tổng viện trợ của châu Âu cho Ukraine đã lên tới 138 tỉ euro (157 tỉ USD), so với 115 tỉ euro của Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã nêu bật một số gói viện trợ gần đây của châu Âu, trong đó có khoản viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Điển trị giá 1,6 tỉ USD và sự hỗ trợ mới từ Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch, theo The Kyiv Independent.