Chính quyền Trump, các tiểu bang tranh cãi nảy lửa về thuế quan 'Ngày giải phóng'

Mười hai tiểu bang Mỹ đã yêu cầu tòa án liên bang dừng áp dụng thuế quan 'Ngày giải phóng' của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lý do rằng ông đã vượt quá thẩm quyền khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để áp đặt thuế quan lên các đối tác.
Một hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa án Thương mại quốc tế (Manhattan, tiểu bang New York) ngày 21.5 nghe các lập luận của các bên trong vụ kiện do các tổng chưởng lý đảng Dân chủ của các tiểu bang New York, Illinois, Oregon và 9 tiểu bang khác của Mỹ đệ trình. Đây là vụ kiện có phạm vi rộng hơn so với vụ kiện pháp lý trước đó do một nhóm doanh nghiệp nhỏ đệ trình lên tòa án, theo Reuters ngày 22.5.
Các tiểu bang cáo buộc Tổng thống Trump đã hiểu sai nghiêm trọng Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) để biện minh cho việc áp thuế quan, coi đó là "tờ séc trắng" để điều chỉnh thương mại.
Ông Brian Marshall, một luật sư tại tiểu bang Oregon, lập luận rằng Tổng thống Trump đã tuyên bố sai rằng IEEPA cho phép ông "áp dụng bất kỳ mức thuế nào, đối với bất kỳ quốc gia nào, trong bất kỳ khoảng thời gian nào và không tòa án nào có thể xem xét lại".
Tuy nhiên, IEEPA nhằm giải quyết các mối đe dọa "bất thường và đặc biệt" đối với Mỹ và nó yêu cầu các hành động của tổng thống phải gắn chặt với một trường hợp khẩn cấp cụ thể. Do đó, một tổng thống không thể sử dụng thuế quan hoặc các hành động khác "chỉ để tạo đòn bẩy" theo IEEPA, theo ông Marshall.
Về phần mình, ông Brett Shumate, đại diện cho chính quyền Tổng thống Trump, nói với các thẩm phán rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã hành động đúng thẩm quyền khi áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc, Canada và Mexico cũng như thuế quan đối ứng đối với tất cả các đối tác thương mại khác.
Ông Shumate lập luận rằng ông Trump đã quyết định rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia đã cận kề khi ma túy bất hợp pháp tràn vào Mỹ và thâm hụt thương mại "làm rỗng ruột cơ sở sản xuất trong nước". Ông Shumate cho hay thêm rằng: "Mục đích của các mức thuế quan này là tạo áp lực và đưa các đối tác thương mại vào bàn đàm phán".
Phía chính quyền ông Trump cũng lập luận rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống không phải chịu sự xem xét của cơ quan tư pháp vì vấn đề này thuộc "vấn đề chính trị" và chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể can thiệp. Ông Shumate nói với các thẩm phán rằng Quốc hội Mỹ đã có một số biện pháp để kiểm tra quyền hạn của tổng thống và ông Trump đã tham vấn cơ quan lập pháp về thuế quan.
Ông Shumate cho hay thêm rằng việc bãi bỏ thuế quan sẽ "hoàn toàn làm suy yếu" chính quyền đương nhiệm khi đội ngũ Tổng thống Trump đang đàm phán về thâm hụt thương mại và cuộc khủng hoảng fentanyl của Mỹ.
Tổng thống Trump hôm 2.4 đã công bố chính sách thuế quan mới đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ với các mức khác nhau, đồng thời gọi đó là "Ngày giải phóng". Kể từ sau động thái trên, chính quyền Tổng thống Trump đối mặt với làn sóng thách thức pháp lý đến từ các doanh nghiệp Mỹ, chính quyền tiểu bang và các nhóm vận động. Tám vụ kiện đã được đệ trình, 6 trong số đó đang được Tòa án Thương mại quốc tế thụ lý.