Chính phủ đề xuất văn bản cấp huyện có hiệu lực tối đa đến 1/3/2027

Chính phủ đề xuất cho phép văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của cấp huyện trước sắp xếp cho đến khi cấp xã mới ra quyết định bãi bỏ hoặc tối đa đến ngày 1/3/2027.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh sáng nay (15/5) thừa ủy quyền Thủ tướng thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Ninh cho biết, việc xây dựng luật sửa đổi là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, kết luận Ban Bí thư, định hướng sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Theo dự thảo luật, các văn bản do cấp huyện ban hành trước khi sắp xếp bộ máy vẫn tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của huyện đó cho đến khi cấp xã mới ra quyết định bãi bỏ hoặc thời hạn tối đa đến 1/3/2027.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tại báo cáo thẩm tra cho biết, cơ quan này tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với đề xuất chuyển tiếp cho phép văn bản do HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của huyện trước khi sắp xếp cho đến khi cấp xã mới ra quyết định bãi bỏ hoặc muộn nhất đến ngày 1/3/2027.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp cần chuyển tiếp, đảm bảo không tạo khoảng trống pháp luật do sắp xếp, tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị Chính phủ cân nhắc quy định cho phép UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
“Cấp xã là cấp cơ sở nên phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nếu thực hiện phân cấp thì có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cơ sở”, ông Tùng lập luận.
Thay vào đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn cho cấp xã để thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế đảm bảo kịp thời giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp.