Chim lạc - biểu tượng văn hóa trên đôi cánh Vietnam Airlines
Tháng 4, hình ảnh chim lạc - một trong những linh vật cổ xưa ăn sâu vào tâm thức người Việt - sẽ được Vietnam Airlines tái hiện sinh động trong chiến dịch “Cùng non sông cất cánh”.
Đây là hoạt động để Vietnam Airlines hướng đến chào mừng ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025. Sự kiện cũng đánh dấu hành trình 30 năm phát triển và bước tiến của hãng Hàng không Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình.
![]() |
Hãng hàng không Quốc gia công bố chiếc máy bay Boeing 787 với thiết kế đặc biệt, mang hình ảnh chim lạc. |
Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết Vietnam Airlines không chỉ là hãng hàng không, mà còn là sứ giả văn hóa, cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Mỗi chuyến bay không đơn thuần là hành trình di chuyển, mà còn là câu chuyện về bản sắc, niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một Việt Nam đang trên đà phát triển. Đó là sứ mệnh hãng Hàng không Quốc gia luôn theo đuổi trong suốt hành trình 3 thập kỷ.
“Một lần nữa, hình ảnh chim lạc được tái hiện, đồng hành cùng Vietnam Airlines đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống đến với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới”, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ.
![]() ![]() |
Cận cảnh máy bay mang hình ảnh chim lạc sắp được hãng đưa vào vận hành. |
Đến nay, khái niệm chim lạc là loài chim gì trong thực tế có khá nhiều quan điểm đến từ các học giả, nhà nghiên cứu. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Ủy viên hội đồng giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, thời kỳ Hùng Vương dựng nước, bộ tộc lớn nhất xây dựng lên Nhà nước đầu tiên là người Lạc Việt, tức cũng có yếu tố “Lạc”.
Trong bộ tộc Việt đó, người đứng đầu là Lạc tướng và người dân gọi là Lạc dân. Thậm chí, thời đó là thuở văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, ruộng để cày cấy người ta cũng gọi là ruộng lạc. Do đó, có thể nói chữ “Lạc” là cái tên chung của thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Và thời đại dựng nước đầu tiên cũng là thời kỳ của nền văn hóa Đông Sơn. Dấu ấn vật chất để lại chính là trống đồng Đông Sơn với mặt trống là hình ảnh của những con chim lạc.
Qua nghiên cứu, trống đồng Đông Sơn là biểu tượng cao nhất của văn minh sông Hồng - thời đại dựng nước đầu tiên - đại diện cho cộng đồng cư dân làm nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng nhiệt đới, nắng nóng mưa nhiều như khu vực miền Bắc nước ta.
Ở đó, cây lúa nước là nguồn sống chính của người dân. Lũy tre làng, con chim bay đậu trên cánh đồng trở thành biểu tượng thân thuộc từ thưở đó. Vì thế, hình ảnh này được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn - tác phẩm nghệ thuật có tính chất biểu trưng của thời đại.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ khi nhìn hình ảnh chim lạc trên trống đồng Đông Sơn, mỗi người có phán đoán khác nhau. Có người là chim phượng hoàng, có người bảo là chim đại bàng, thậm chí “con chim gì đó”.
“Tôi nghĩ rằng đó là con cò hay con vạc, con nông. Đó là các loại ưa thích sống trong rừng tre, bụi tre. Đến lúc đi kiếm ăn thì nó bay ra khắp cánh đồng. Hình ảnh đặc trưng nhất của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng là con cò - đã đi vào các câu ca dao, tục ngữ của người Việt. Nói đến cánh đồng quê thì phải nói đến cánh cò, nói đến nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai của người Việt thì không thể không có cánh cò”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phân tích.
|
Chim lạc là biểu tượng văn hóa thiêng liêng, gắn liền cội nguồn dân tộc và khát vọng trường tồn. |
Xét từ góc độ dân tộc học, người Việt cho rằng tổ tiên là giống Tiên và giống Rồng. Trong đó, Tiên là mẹ Âu Cơ tức là giống chim, còn Rồng là cha Lạc Long Quân. Đó là cội nguồn của việc người Việt bao đời gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”, tự nhận mình là “con Lạc - cháu Hồng” hay “con Rồng - cháu Tiên”. Đây là 2 nguồn lực để tạo nên nhà nước sơ khai đầu tiên là nhà nước Văn Lang và sau đó là nhà nước Âu Lạc. Vì thế, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, chim lạc còn là hình ảnh của con người, bởi nó là hình ảnh đại diện cho tộc người.
Qua nhiều phân tích, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng chim lạc là hình ảnh của chim thần, thể hiện trên cơ sở một loài chim có thật và được thần thánh hóa để trở thành biểu tượng chung qua từng giai đoạn lịch sử Việt Nam.
![]() |
Chiếc máy bay sẽ được đưa vào khai thác trên đường bay trọng điểm trong nước và quốc tế. |
Bày tỏ quan điểm về việc Vietnam Airlines tái hiện hình ảnh chim lạc trên thân chiếc máy bay, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhưng phải trên nền tảng giá trị văn hóa đích thực mà tổ tiên đã tạo dựng. Tôi thấy việc đưa hình ảnh chim lạc cùng hiện diện với hoa sen truyền thống trên máy bay của Vietnam Airlines - sẽ đến nhiều miền đất - thể hiện rõ hình ảnh vươn mình của dân tộc Việt Nam; thể hiện quyết tâm vươn mình, khẳng định thương hiệu và vị thế của Vietnam Airlines trong ngành hàng không khu vực, quốc tế. Đó không chỉ là biểu tượng của sự phát triển bền vững, mà còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại”.