Nhảy đến nội dung

Chiêu trò lũng đoạn đấu thầu 'không có đối thủ' của Tập đoàn Tuấn Ân

Bằng việc mạnh tay chi tiền hối lộ lãnh đạo PC Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân, thâu tóm 25 gói thầu một cách dễ dàng, 'không có đối thủ'.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân) và Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận), bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân, bị truy tố tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai cựu Giám đốc PC Bình Thuận Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn cùng bị truy tố tội nhận hối lộ.

Hồ sơ vụ án cho thấy, từ năm 2017 - 2023, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân đã chỉ đạo hối lộ hơn 9 tỉ đồng cho các lãnh đạo PC Bình Thuận, qua đó thâu tóm 25 gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại ngân sách gần 50 tỉ đồng.

Ưu ái từ "trong trứng nước"

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, trước khi phát hành hồ sơ mời thầu khoảng 1 tháng, nhân viên Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân sẽ liên hệ với các nhân viên thuộc PC Bình Thuận về nhu cầu mua sắm sắp tới. 

Hai bên trao đổi thông tin danh mục hàng hóa và hồ sơ đặc tính kỹ thuật (thông số kỹ thuật, kích thước, chỉ tiêu về dòng điện, điện trở và các yêu cầu chỉ tiêu thử nghiệm tất cả các mặt hàng).

Mục đích nhằm giúp Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân nắm bắt trước các mặt hàng sẽ mua sắm, xác định mặt hàng nào đã có, mặt hàng nào cần sản xuất, thậm chí còn đưa thêm một số thông số kỹ thuật gắn với sản phẩm của doanh nghiệp này… Từ đó, Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân sẽ có lợi thế đặc biệt lớn, đảm bảo cho khả năng trúng thầu.

Sau khi tiếp nhận danh mục, đặc tính kỹ thuật, nhân viên Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân sẽ lập phiếu duyệt giá ban đầu. Giá này được thiết lập dựa trên nguyên tắc: giá vốn sản xuất tại Công ty Tuấn Ân Long An cộng thêm 10% lợi nhuận, sau đó bán cho đại lý của Tập đoàn Tuấn Ân với mức chênh lệch 20 - 40%, đại lý sẽ bán cho PC Bình Thuận với mức giá cộng thêm các chi phí khác (thuế, chi phí quản lý, chi phí thử nghiệm, chi tiền ngoài hợp đồng…) và tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu 6,5% sau thuế.

Chưa dừng lại, mức giá trên tiếp tục được nâng thêm 5 - 8% rồi mới lập báo giá dự toán, gửi cho PC Bình Thuận. Lý do cộng thêm khoản này là để khi phê duyệt dự toán thì PC Bình Thuận sẽ hạ xuống mà vẫn không ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà thầu.

Ngoài báo giá của Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân, các bị can còn lập, sử dụng đồng thời báo giá khống của nhiều công ty khác, theo nguyên tắc cao hơn báo giá của Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân khoảng 5%.

Cài cắm yêu cầu chỉ duy nhất Tuấn Ân mới có

Đáng chú ý, Viện KSND tối cao xác định, các bị can tại PC Bình Thuận đã lựa chọn một số hàng hóa có các đặc tính kỹ thuật điển hình đưa vào hồ sơ mời thầu (cài thầu), tạo lợi thế cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân (vốn là đơn vị sản xuất), làm hạn chế khả năng dự thầu, cạnh tranh của doanh nghiệp khác.

Điển hình như nhóm hàng mua sắm các sản phẩm có vật liệu cách điện polymer tại 10 gói thầu, yêu cầu phải có chỉ tiêu thử nghiệm được thực hiện bởi cơ quan thử nghiệm tại nước ngoài. Rất ít nhà thầu đáp ứng được điều này.

Tương tự, đối với nhóm hàng mua sắm phụ kiện đấu nối tại 4 gói thầu, yêu cầu phải có chỉ tiêu thử nghiệm "chu kỳ nhiệt", trong khi chi phí lên đến 5,5 triệu đồng/mẫu thử, cao hơn rất nhiều so với giá trị mặt hàng (từ 10.000 - 100.000 đồng/mặt hàng). Do đó, rất ít nhà thầu tham gia.

Hay như nhóm mặt hàng hộp công tơ, hộp phân phối tại 5 gói thầu. Đây là các mặt hàng được Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân sản xuất, phân phối, có ưu thế hơn so với các nhà thầu khác, do đó sẽ bổ sung tiêu chí đánh giá hàng mẫu.

Một thủ đoạn khác được các bị can sử dụng là gom nhiều mặt hàng gắn đặc tính kỹ thuật điển hình của hàng hóa do Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân sản xuất vào một gói thầu, hoặc đưa ra các yêu cầu mà chỉ duy nhất Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân mới có sản phẩm…

Sau khi sử dụng các chiêu trò trên, nhóm bị can tiếp tục thông thầu bằng cách sử dụng "quân xanh", khiến cho quá trình tổ chức đấu thầu không bảo đảm công bằng, minh bạch. Hệ quả là, các công ty của bị can Huỳnh Tuấn Ân "ôm trọn" cả 25 gói thầu.

Quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành thực nghiệm điều tra tại nhà máy sản xuất của Công ty Tuấn Ân Long An thuộc Khu Công nghiệp Hải Sơn (H.Đức Hòa, tỉnh Long An), để xác định khả năng sản xuất, cấu thành giá vốn của 391 mặt hàng do Công ty Tuấn Ân Long An sản xuất (thuộc 25 gói thầu cung cấp cho PC Bình Thuận).

Kết quả cho thấy giá vốn các mặt hàng do nhà máy sản xuất là hơn 47 tỉ đồng, trong khi số tiền quyết toán của 25 gói thầu lên tới hơn 97 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, ngân sách bị thiệt hại gần 50 tỉ đồng.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn