Chiến thuật im lặng đến phút chót của Nga khi đàm phán với Ukraine

(Dân trí) - Nga đã giữ im lặng đến phút chót về phái đoàn tham gia đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép với Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/5 đã công bố danh sách phái đoàn Nga tham gia đàm phán trực tiếp với phái đoàn Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Danh sách này được công bố chỉ vài giờ trước khi cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 15/5.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, dẫn đầu phái đoàn đàm phán là Cố vấn của tổng thống Vladimir Medinsky. Phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Nga Igor Kostyukov.
Ngoài các nhà đàm phán, một nhóm chuyên gia của Nga đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng thống cũng sẽ tham gia. Nhóm này bao gồm một số quan chức quân sự và dân sự cấp cao, cũng như các nhà ngoại giao.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin, người được kỳ vọng sẽ tham gia đàm phán, lại không có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin không xuất hiện trên bàn đàm phán ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố chỉ đàm phán với ông chủ Điện Kremlin.
Cho đến khi Tổng thống Putin đưa ra thông báo chính thức về phái đoàn đàm phán, Điện Kremlin vẫn giữ bí mật về kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga.
Sự im lặng đến phút chót của Nga
Ông Boris Bondarev, người từng là nhà ngoại giao Nga, cho rằng sự im lặng của Nga là một chiến thuật có chủ đích được sử dụng để khiến Ukraine và các đồng minh của nước này luôn trong tình trạng "căng như dây đàn", đồng thời cho phép thay đổi kế hoạch vào phút chót.
Nền ngoại giao của Nga phần lớn vẫn duy trì các giao thức tương tự thời Liên Xô, khi tất cả các cuộc đàm phán cấp cao đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.
"Đây không phải là cách chúng tôi làm mọi việc. Đầu tiên, các nhà đàm phán được chỉ định sẽ thực hiện mọi công tác chuẩn bị và tài liệu. Chỉ sau đó, tổng thống mới bước vào để thảo luận về các điều khoản đã thỏa thuận trước", một nguồn tin nói với trang tin Moscow Times.
"Lãnh đạo của chúng tôi không thích bị gây sức ép. Đó là một sự thật mà ai cũng biết", một cựu quan chức cấp cao của Điện Kremlin nói thêm.
Việc Tổng thống Putin không tham gia đàm phán với Tổng thống Zelensky cũng có thể liên quan tới vấn đề chính danh và pháp lý.
Nga cho đến nay vẫn không công nhận tính chính danh của ông Zelensky do nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc từ tháng 5 năm ngoái và Ukraine chưa tổ chức bầu cử. Nga cho rằng, hiện tại chỉ có đại diện của quốc hội Ukraine mới đủ tư cách pháp lý để đàm phán với Nga.
Lập trường của Tổng thống Putin cho thấy Moscow chỉ có thể ký một thỏa thuận hòa bình với một tổng thống Ukraine mới hoặc với lãnh đạo quốc hội Ukraine.
Hơn nữa vào năm 2022, ông Zelensky đã ban bố sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Moscow liên tục chỉ trích quyết định này của Kiev, cho rằng chính sắc lệnh này đã cản trở cơ hội hòa đàm, chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Putin từng tuyên bố, bất kỳ cuộc đàm phán nào trong bối cảnh hiện tại đều là hành động "bất hợp pháp" về mặt pháp lý, do lệnh cấm đàm phán của Tổng thống Zelensky.
"Ông Zelensky chỉ phù hợp để ký một thỏa thuận nhượng bộ. Chỉ có như vậy", một nhà ngoại giao Nga đương chức cho biết.
Cuối tuần trước, ông Putin đề xuất đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5. Đáp lại, Tổng thống Zelensky tuyên bố Nga phải chấp thuận lệnh ngừng bắn 30 ngày trước khi bước vào bàn đàm phán. Ông Zelensky và lãnh đạo của một số nước NATO thậm chí còn ra "tối hậu thư", dọa trừng phạt Nga nếu không chấp nhận ngừng bắn.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã đổi ý, chấp thuận đàm phán với Nga sau khi Tổng thống Donald Trump gây sức ép, hối thúc nhà lãnh đạo Ukraine chấp nhận đề xuất đàm phán và gặp Tổng thống Putin ngay lập tức.
"Tuyên bố của chúng tôi về việc nối lại các cuộc đàm phán ở Istanbul chưa bao giờ đề cập đến sự tham gia của Tổng thống Putin. Trong vài tuần qua, chúng tôi đã liên lạc chặt chẽ với Washington và trong những ngày gần đây, chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm. Các đồng nghiệp của tôi đang cố gắng tìm ra một sự thỏa hiệp không làm mất lòng ông Trump", một quan chức có liên hệ với Điện Kremlin cho biết.
"Nếu ông Trump đích thân mời ông Putin, điều đó sẽ thay đổi mọi thứ. Nhưng ông Zelensky không "ngang hàng" với ông Putin và ông ấy không muốn nói chuyện trực tiếp. Sau tối hậu thư của ông Zelensky, việc đồng ý gặp mặt sẽ giống như bước lùi và mất thể diện", cựu quan chức ngoại giao Nga Bondarev cho biết.
Nhà phân tích Alexei Chesnakov, người từng làm việc tại Điện Kremlin, cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cho rằng Nga có những lý lẽ phù hợp để lý giải cho việc Tổng thống Putin không tới Thổ Nhĩ Kỳ.
"Các nhà lãnh đạo chỉ họp khi có chương trình nghị sự rõ ràng và các quyết định được thống nhất từ trước. Sự tham gia của cá nhân ông Putin vẫn là một quân bài giấu kín, có thể được sử dụng để đảm bảo các điều kiện tốt hơn sau này", ông Chesnakov nói.
Theo Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia tại Berlin, mục tiêu chính của Tổng thống Putin là thuyết phục Tổng thống Trump rằng Nga thực sự quan tâm đến hòa bình, đó là lý do ông đề xuất cử một phái đoàn đến Istanbul và nối lại các cuộc đàm phán sau khi đổ vỡ vào năm 2022.
Vấn đề là Tổng thống Putin vẫn chưa từ bỏ các yêu cầu tối đa của Nga đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Ông vẫn muốn củng cố những gì Nga đã giành được về lãnh thổ và giảm đáng kể quy mô quân đội của Ukraine.