Nhảy đến nội dung
 

Chiến sự Ukraine ngày 1.227: Nga tấn công ồ ạt, gửi thông điệp tới Mỹ?

Điện Kremlin tuyên bố việc đạt được tất cả các mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao vẫn là không thể ở giai đoạn hiện nay.

Các quan chức Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công thủ đô Kyiv bằng máy bay không người lái (UAV) lớn nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến 1 người thiệt mạng, ít nhất 23 người bị thương và phá hủy nhiều tòa nhà ở thành phố này, theo Reuters.

Không quân Ukraine cáo buộc Nga phóng tổng cộng 539 UAV và 11 tên lửa vào Ukraine trong đêm 3.7 và rạng sáng 4.7, chủ yếu nhắm vào Kyiv, theo Reuters. Cuộc tấn công này diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các nhà máy sản xuất UAV, một sân bay quân sự và một nhà máy lọc dầu nằm trong số các mục tiêu bị các lực lượng Nga tấn công ở Kyiv bằng vũ khí có độ chính xác cao, theo Reuters.

Mặt khác, Bộ Quốc phòng Nga ngày 4.7 tuyên bố lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 12 UAV của Ukraine trên bầu trời hai tỉnh Bryansk và Oryol của Nga từ 13 giờ đến 16 giờ cùng ngày (giờ Moscow), theo Hãng tin TASS.

Đến tối 4.7 chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine đối với tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Nga.

Xem thêm: Ukraine phóng UAV ồ ạt vào lãnh thổ Nga, các sân bay ở Moscow đóng cửa

Tổng thống Ukraine điện đàm với Tổng thống Trump

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ông đã thảo luận về phòng không trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4.7 và nhất trí sẽ tăng cường năng lực "bảo vệ bầu trời" của Kyiv khi các cuộc tấn công của Nga leo thang, theo Reuters.

Ông Zelensky còn viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng ông đã thảo luận về sản xuất quốc phòng chung, cũng như mua sắm và đầu tư chung với nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong cuộc điện đàm nói trên, Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Zelensky rằng ông muốn giúp Ukraine về phòng không, theo trang tin Axios dẫn lời một quan chức Ukraine giấu tên và một nguồn tin biết về cuộc điện đàm.

Ông Trump còn nói với ông Zelensky rằng ông sẽ kiểm tra xem có vũ khí nào của Mỹ sắp được gửi đến Ukraine mà bị tạm dừng hay không, theo Axios dẫn một nguồn tin. Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 40 phút, theo nguồn tin.

Cuộc trò chuyện với Tổng thống Zelensky diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Trump cho hay ông đã có cuộc điện đàm đầy thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga gửi thông điệp mới tới Mỹ và Ukraine?

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4.7 đã bình luận về cuộc điện đàm hôm 3.7 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Peskov tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự của mình tại Ukraine, vì việc đạt được tất cả các mục tiêu thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao vẫn là điều không thể ở giai đoạn hiện nay, theo Hãng tin TASS.

"Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Putin đã tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và nhấn mạnh rằng chúng tôi muốn hoàn thành những mục tiêu đó thông qua các con đường chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, nếu điều này vẫn không thể đạt được, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục", ông Peskov nhấn mạnh.

Đến tối 4.7 chưa có thông tin về phản ứng của Mỹ cũng như Ukraine đối với phát ngôn trên của ông Peskov.

Trước đó, Tổng thống Trump cho hay cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 3.7 không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Ukraine. "Tôi chẳng đạt được tiến triển gì với ông ấy cả", Tổng thống Trump nói ngắn gọn với các phóng viên tại một căn cứ không quân gần Washington D.C, trước khi lên đường đến một sự kiện ở bang Iowa, theo Reuters.

Xem thêm: Ông Putin điện đàm với ông Trump, cảnh báo đáp trả đòn đánh táo bạo của Ukraine

Đức đang đàm phán mua Patriot cho Ukraine

Đức đang đàm phán mua hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine để giúp nước này chống lại một số cuộc tấn công dữ dội nhất của Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào năm 2022, theo Reuters ngày 4.7 dẫn lời một phát ngôn viên của chính phủ Đức.

Trước đó, Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho hay Mỹ đã tạm dừng cung cấp một số vũ khí quan trọng cho Ukraine, trong đó có 30 tên lửa phòng không Patriot, khiến Kyiv cảnh báo rằng điều này sẽ làm suy yếu khả năng tự vệ của mình.

"Có nhiều cách để lấp đầy khoảng trống Patriot này", vị phát ngôn viên nói trong một cuộc họp báo ở Berlin, đồng thời nói thêm rằng một lựa chọn đang được cân nhắc là mua các tổ hợp tên lửa Patriot tại Mỹ rồi chuyển đến Kyiv.

"Tôi có thể xác nhận rằng các cuộc thảo luận chuyên sâu thực sự đang được tiến hành về vấn đề này", vị phát ngôn viên nhấn mạnh.

Đức đã gửi 3 hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất từ kho vũ khí quân sự của mình đến Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius vào tháng trước đã khởi động một sáng kiến nhằm tìm kiếm thêm Patriot cho Ukraine trong nhóm 50 quốc gia ủng hộ Ukraine.

Ông Pistorius sẽ đến Washington D.C trong tháng này để đàm phán với người đồng cấp Mỹ về sáng kiến nói trên cũng như năng lực sản xuất, theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức.

Đức, nhà tài trợ lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ, đã tìm cách đảm nhận nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong việc đảm bảo sự ủng hộ dành cho Kyiv khi sự hỗ trợ của Mỹ đang bị đặt dấu hỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đức đã cung cấp tổng cộng 38 tỉ euro (43 tỉ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các khoản tiền dành riêng cho những năm tới, theo Reuters.

Xem thêm: Nga nói gì sau khi Mỹ công bố kế hoạch đưa tên lửa tầm xa đến Đức?

Trung Quốc không muốn Nga thua trong xung đột với Ukraine?

Tờ Souh China Morning Post (SCMP) ngày 4.7 dẫn một số nguồn tin tiết lộ rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là bà Kaja Kallas hôm 2.7 rằng Bắc Kinh không muốn thấy Nga thua ở Ukraine vì lo ngại Mỹ sau đó sẽ chuyển toàn bộ sự tập trung của mình sang Bắc Kinh.

Phát ngôn này của ông Vương được cho là xác nhận những gì nhiều quan chức EU tin là lập trường của Bắc Kinh nhưng lại mâu thuẫn với những phát biểu công khai của chính phủ Trung Quốc, theo SCMP. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên tuyên bố Trung Quốc "không phải là một bên" trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Một số quan chức EU có liên quan đã ngạc nhiên trước sự thẳng thắn trong phát biểu của ông Vương.

Tuy nhiên, ông Vương được cho là đã bác bỏ cáo buộc rằng Trung Quốc đang hỗ trợ vật chất cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhấn mạnh rằng nếu Bắc Kinh làm thế, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kết thúc từ lâu.

Đến tối 4.7 chưa có thông tin về phản ứng của các bên liên quan. Một cách giải thích cho phát ngôn như trên của ông Vương là dù Trung Quốc không muốn có chiến tranh, nhưng việc kéo dài xung đột Nga-Ukraine có thể phù hợp với nhu cầu chiến lược của Bắc Kinh, nếu Mỹ vẫn dính vào cuộc xung đột đó, theo SCMP.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 3 năm vẫn là một trong những nguồn gây căng thẳng lớn nhất giữa Trung Quốc và EU, vốn đã cáo buộc Bắc Kinh cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng cho Nga. Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này và tự định vị mình là bên gìn giữ hòa bình, xem cả Moscow lẫn Kyiv là đối tác, theo SCMP.

Xem thêm: Trung Quốc nêu lập trường sau cuộc đối thoại Mỹ-Nga về xung đột Ukraine

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn