Nhảy đến nội dung

Chiến sự Ukraine ngày 1.156: Nga ủng hộ lập trường của ông Trump về Crimea

Vấn đề Crimea là điểm nóng trong các tuyên bố của lãnh đạo và giới chức Nga, Mỹ và Ukraine vài ngày qua giữa lúc chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24.4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phá hoại nỗ lực ngoại giao nhằm đạt thỏa thuận hòa bình khi từ chối công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, theo Reuters.

Cùng ngày, trong cuộc họp báo, phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu rằng lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump "hoàn toàn phù hợp với sự hiểu biết của chúng tôi và những gì chúng tôi đã nói trong một thời gian dài". Ông Peskov cho biết nước này đang hợp tác với Mỹ để đạt được một giải pháp hòa bình cũng như đảm bảo các lợi ích của Moscow, theo TASS.

Các tuyên bố của giới chức Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Trump hôm 23.4 viết trên mạng xã hội Truth Social rằng Crimea không còn là đề tài thảo luận, đồng thời chỉ trích Tổng thống Zelensky gây tổn hại nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Trước đó, Tổng thống Zelensky hôm 22.4 tuyên bố rằng việc công nhận Crimea là một phần của Nga sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine. Phía Ukraine khẳng định cam kết theo đuổi một lệnh ngừng bắn toàn diện vô điều kiện.

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 24.4, ông Zelensky tiếp tục nhấn mạnh: "Bất cứ điều gì trái ngược với các giá trị và hiến pháp của chúng tôi đều không thể có trong bất kỳ thỏa thuận nào".

"Tôi tin rằng đất nước tôi đã bị tấn công; lãnh thổ của chúng tôi đã bị kiểm soát. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, nhiều trẻ em và người lớn đã bị chôn sống. Thực tế là Ukraine sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với kẻ địch đã là một sự thỏa hiệp lớn", theo The Kyiv Independent dẫn lời nhà lãnh đạo Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng cho rằng áp lực quốc tế gia tăng đối với Nga sẽ thúc đẩy Nga và Ukraine tiến gần hơn đến một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện.

Ông Trump chỉ trích Nga

Tổng thống Mỹ Trump ngày 24.4 đã chỉ trích cuộc không kích của Nga vào Kyiv khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương, đồng thời gọi động thái trên là "không cần thiết", theo The Guardian.

"Tôi không hài lòng với các cuộc không kích của Nga vào Kyiv. Không cần thiết và thời điểm rất tệ", ông Trump viết trên nền tảng Truth Social. Nhà lãnh đạo Mỹ thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin "dừng lại" và "hoàn thành thỏa thuận hòa bình".

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Không quân Ukraine ngày 24.4 cáo buộc Nga đã tấn công hàng loạt bằng 70 tên lửa và 145 máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine, trong đó chủ yếu nhắm đến thủ đô Kyiv, theo Reuters.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết 31 người vẫn đang phải nằm viện, đồng thời nói thêm các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành để giải cứu những nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cũng cho hay các tỉnh Zhytomyr, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Poltava, Khmelnytskyi, Sumy và Zaporizhzhia cũng là mục tiêu trong "cuộc tấn công tổng hợp quy mô lớn" từ phía Nga. Viết trên nền tảng X, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha ngày 24.4 chỉ trích rằng "các cuộc tấn công quyết liệt" cho thấy Nga, chứ không phải Ukraine, là trở ngại cho hòa bình.

Sau thông tin về cuộc không kích trên, Tổng thống Ukraine Zelensky quyết định cắt ngắn chuyến công du Nam Phi để trở về nước.

Phía Nga hiện chưa bình luận về cuộc tấn công vào Kyiv nhưng trước nay bác bỏ cáo buộc rằng nước này tấn công vào mục tiêu dân thường. Cùng ngày, phía Nga cáo buộc Ukraine đã tấn công 8 quận thuộc vùng biên giới Belgorod, khiến 2 thường dân thiệt mạng và 6 người khác bị thương, theo TASS.

Ukraine trước nguy cơ vỡ nợ lịch sử

Chính phủ Ukraine ngày 24.4 cho biết họ đã không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để tái cấu trúc khoản nợ trị giá 2,6 tỉ USD. Điều này có nghĩa là Ukraine có thể sẽ phải vỡ nợ khoảng 600 triệu USD trước thời hạn vào cuối tháng 5, theo The Kyiv Independent.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn cam kết tiếp tục làm việc với các chủ nợ và tìm kiếm các lựa chọn khác để tái cấu trúc nợ. Khoản nợ 2,6 tỉ USD nêu trên liên quan thứ gọi là lệnh bảo đảm GDP - một công cụ tài chính trao cho người nắm giữ trái phiếu quyền được thanh toán thêm dựa trên hiệu quả kinh tế của quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhii Marchenko cho rằng các lệnh bảo đảm GDP không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nhấn mạnh sự phục hồi khiêm tốn của nền kinh tế Ukraine không thể bù đắp cho đợt sụt giảm gần 30% sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng việc không giải quyết được vấn đề trên có thể đe dọa đến việc tái cấu trúc nợ tiếp theo của Ukraine, cũng như ảnh hưởng đến chương trình cứu trợ trị giá 15,6 tỉ USD - có tên là Cơ sở quỹ mở rộng (EFF).