Nhảy đến nội dung

Chiến lũy nào ở Việt Nam suốt cả trăm năm chưa từng bị xuyên thủng?

Chiến lũy này nằm tại miền Trung nước ta. Trải qua nhiều cuộc binh biến, công trình quân sự này vẫn đứng vững trong suốt trăm năm.

1. Chiến lũy nào ở Việt Nam suốt cả trăm năm chưa từng bị xuyên thủng?

Được khởi công từ năm 1630, trong suốt 3 năm, hệ thống Lũy Thầy gồm 3 lũy nhỏ có tên Trường Dục, Nhật Lệ và Trường Sa lần lượt được xây dựng. Lũy được đắp bằng đất, tổng đoạn lũy dài 34km, xây dựng xen kẽ nhiều ụ súng, vọng gác. Trong hơn 100 năm sau, Lũy Thầy vẫn đứng vững trước nhiều cuộc binh biến.

Lũy Thầy hiện là di tích lịch sử thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Một số đoạn quan trọng của chiến lũy vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay, có thể kể đến “Quảng Bình Quan” nằm trên Quốc lộ 1A, đi qua thành phố Đồng Hới.

2. Địa danh này từng gắn liền với cuộc chiến khốc liệt nào trong lịch sử Việt Nam?

Lũy Thầy là hệ thống công trình quân sự do chúa Nguyễn triển khai xây dựng nhằm bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài. Theo sử sách, năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên vì lo sợ quân Trịnh thôn tính mà chuẩn y kế của Đào Duy Từ cho xây dựng lũy bề thế kéo dài từ tây sang đông.

Tại một số đoạn chiến lũy ở Quảng Bình hiện nay có tấm bia đá do ngành văn hóa xây dựng để giới thiệu Lũy Thầy, ghi đây là “nơi diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn trong gần 50 năm nội chiến”, được công nhận di tích quốc gia vào năm 1992.

3. Chiến lũy này được xây dựng dọc theo hệ thống sông lớn nào?

Đào Duy Từ đã cho đắp Lũy Thầy bằng đất và đá, phía ngoài đóng cọc bằng gỗ lim, phía trong đóng cọc tre. Lũy cao trung bình 3-6m, rộng 6m, đổ đất lên thành 5 tầng, voi và ngựa có thể đi lại được. Vì xây dựng dọc theo hệ thống sông Nhật Lệ nên Lũy Thầy càng khó bị đánh phá.

4. Chiến lũy này còn có tên gọi khác là gì?

Lũy Thầy còn được gọi với tên lũy Đào Duy Từ - tên của vị quan từng chỉ huy việc thiết kế và xây dựng công trình này. Ông xuất thân tại phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Chỉ làm quan 8 năm nhưng ông đã đưa ra những kế sách quan trọng giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng cơ nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong. Nhờ đó, ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.

5. Vì sao ông quyết định không làm quan cho nhà Lê mà vào Đàng Trong với chúa Nguyễn?

Đào Duy Từ thi đỗ á nguyên dưới thời vua Lê Thế Tông. Ông thi Hội, bài luận rất tốt, được đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ Lễ đã đưa ra chứng cứ ông đổi họ, khai man lý lịch và truyền lệnh xóa tên ông khỏi vị trí á nguyên, lột mũ áo và tống giam.

Nguyên nhân là, bố của Đào Duy Từ - Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca rồi mất sớm. Lúc bấy giờ, ở Đàng Ngoài, xướng ca bị cho là “vô loài”, con cái không được phép dự thi, không được làm quan. Đào Duy Từ đã đổi tên thành Vũ Duy Từ (theo họ mẹ) để đi thi.

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép rằng năm 1593, “Thanh Hoa có kỳ thi Hương, quan Hiến ti cho Duy Từ là con phường chèo nên tước bỏ tên, không cho vào thi. Duy Từ bực tức trở về, nhân nghe tiếng chúa (Nguyễn) yêu dân và quý học trò, các bậc hào kiệt đều quy phục, nên quyết chí vào Nam một mình để theo”.

Sau này gặp Đào Duy Từ, thấy ông am hiểu việc đời, Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và dự bàn việc lớn.