Nhảy đến nội dung
 

Chiến lược của đế chế ngành chip: Tiếp tục tham vọng vẽ lại bản đồ ngành chip

Ngược lại với nhiều dự báo, Intel tiếp tục theo đuổi mảng đúc chip trong tham vọng vẽ lại bản đồ ngành chip bán dẫn, thậm chí đang sản xuất thương mại các dòng chip tiên tiến nhất thế giới.

Đó là điều mà Intel đã công bố tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect diễn ra tối 29.4 (theo giờ VN) tại TP.San Jose (bang California, Mỹ).

Tham vọng lớn

Phát biểu tại sự kiện, ông Lip-Bu Tan, CEO của Intel, khẳng định: "Intel cam kết xây dựng nhà máy đúc chip hàng đầu thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về tiến trình công nghệ hiện đại, quy trình đóng gói tiên tiến, và năng lực sản xuất đảm bảo".

Ông Lip-Bu Tan nhậm chức CEO của Intel cách đây khoảng 5 tuần giữa lúc tập đoàn này đang đối mặt nhiều khó khăn. Tháng 2.2024, dưới thời CEO Pat Gelsinger, Intel chính thức công bố ra mắt Intel Foundry - doanh nghiệp đúc chip hệ thống đầu tiên trên thế giới - để đáp ứng kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Intel Foundry hướng đến tối ưu hóa toàn bộ hệ thống đúc chip đồng bộ cao từ sản xuất đến đồng bộ phần mềm nhằm đáp ứng kỷ nguyên AI đang bùng nổ. Qua đó, Intel và hệ sinh thái liên quan cho phép khách hàng đổi mới trên toàn bộ hệ thống.

Như thế, vốn là đế chế nhiều năm của ngành chip thế giới, Intel không chỉ phát triển chip mang thương hiệu chính mình, mà còn mở ra mảng đúc chip để sản xuất chip cho các đối tác với một hệ sinh thái toàn diện để đáp ứng từng yêu cầu chuyên biệt của đối tác. Intel đặt ra tham vọng trở thành công ty đúc chip lớn thứ 2 thế giới vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc Intel theo đuổi kế hoạch vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng chip trên thế giới.

Cuộc chơi lớn

Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm thì việc tiêu tốn chi phí quá nhiều cho mảng đúc chip, nhưng mảng kinh doanh truyền thống về chip lại không đạt hiệu quả như kỳ vọng do sự chậm chân trước đó của Intel trong việc phát triển chip về AI, dẫn đến nhiều khó khăn.

Chính vì thế, sau khi ông Lip-Bu Tan lèo lái Intel, câu hỏi đặt ra là liệu ông có tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát triển mảng đúc chip của người tiền nhiệm Pat Gelsinger. Kết quả câu trả lời là có. Tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect ngày 29.4, ông Lip-Bu Tan đã chỉ ra rằng tổng giá trị thị trường trực tiếp của ngành chip đang tăng nhanh, từ mức khoảng 700 tỉ USD của năm 2024 sẽ sớm cán mức 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Vì thế, Intel sẽ tiếp tục mở rộng trên thị trường đầy tiềm năng này và giữ vững mục tiêu trở thành công ty đúc chip lớn thứ 2 thế giới vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, Intel Foundry đã và đang làm việc với những khách hàng đầu tiên về tiến trình Intel 14A (tương đương quy trình 1,4 nm). Đây là thế hệ kế nhiệm của Intel 18A (tương đương quy trình 1,8 nm). Công ty đã gửi phiên bản đầu tiên của Bộ công cụ thiết kế tiến trình (Process Design Kit - PDK) cho Intel 14A đến các khách hàng.

Trong khi đó, Intel 18A đang ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm (risk production) và dự kiến sẽ đi vào sản xuất hàng loạt trong năm nay. Hiện tại, các đối tác trong hệ sinh thái của Intel Foundry đã có sẵn các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), quy trình tham chiếu, và tài sản trí tuệ (IP) để phục vụ quá trình thiết kế sản xuất. Biến thể mới của tiến trình Intel 18A là Intel 18A-P mang lại hiệu năng cao hơn để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng tại nhà máy đúc chip. Các bảng wafer thử nghiệm ban đầu dựa trên Intel 18A-P đang được sản xuất tại nhà máy.

Nói dễ hiểu hơn thì Intel đang kịp thời thương mại hóa mảng đúc chip cho các loại chip tiên tiến có quy trình dưới 2 nm ngay trong năm nay, tức không hề chậm hơn nhà sản xuất chip dẫn đầu thế giới là TSMC (Đài Loan).