Chiến hạm biến dạng khi hạ thủy, Kim Jong Un xử lý tập thể

Tàu khu trục được xem là át chủ bài hải quân Triều Tiên trượt khỏi đường ray và mắc kẹt trong lễ hạ thủy, khiến ông Kim Jong Un giận dữ và yêu cầu xử lý trách nhiệm toàn hệ thống.
![]() |
Tàu khu trục hải quân mới của Triều Tiên trong lễ hạ thủy tại một xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Nampho, phía tây Triều Tiên, vào ngày 25/4. Ảnh: KCNA. |
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, một "sự cố nghiêm trọng" đã xảy ra trong buổi lễ hạ thủy một khu trục hạm có trọng tải 5.000 tấn tại thành phố cảng Chongjin, phía Đông nước này vào ngày 21/5. Sự cố diễn ra dưới sự chứng kiến trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy nhiên, buổi lễ đã biến thành thất bại bẽ bàng khi phần đuôi tàu rời khỏi đường trượt trước và mắc cạn, trong khi toa phẳng hỗ trợ không di chuyển đồng bộ, khiến thân tàu bị mất cân bằng và đáy tàu bị biến dạng nghiêm trọng.
KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un khẳng định, sự cố là hậu quả của "sự cẩu thả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm và chủ nghĩa kinh nghiệm phi khoa học - những sai lầm không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Ông Kim chỉ trích gay gắt các chỉ huy quân sự, đội ngũ khoa học và cán bộ nhà máy đóng tàu vì những sai phạm trong quá trình triển khai dự án, đồng thời ra lệnh triệu tập một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên để xử lý trách nhiệm tập thể.
Theo KCNA, cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương quyền lực thuộc Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 để xem xét các sai sót nói trên. Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên không công bố liệu sự cố có gây thương vong hay không.
Tàu khu trục gặp sự cố được cho là cùng loại với tàu khu trục đầu tiên mà Triều Tiên ra mắt vào ngày 25/4 vừa qua - chiếc tàu được các chuyên gia đánh giá là lớn và hiện đại nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Ông Kim từng ca ngợi đây là "tài sản chiến lược" quan trọng để mở rộng phạm vi tác chiến và khả năng tấn công hạt nhân của quân đội nước này.
KCNA mô tả tàu khu trục được thiết kế để tích hợp nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả vũ khí phòng không, chống hạm và tên lửa hành trình lẫn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Sau lễ ra mắt vào tháng 4, ông Kim cũng trực tiếp giám sát các cuộc thử nghiệm tên lửa từ tàu này và cho biết con tàu sẽ chính thức đi vào hoạt động đầu năm tới.
Ông Lee Sung Joon, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, nhận định chiếc tàu bị hư hại có thể được trang bị các hệ thống vũ khí tương tự và hiện vẫn đang nằm nghiêng dưới nước.
Từ lâu, ông Kim đã lấy lý do "đe dọa từ Mỹ và các đồng minh châu Á" để biện minh cho việc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, trong đó có chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển hải quân. Ông từng tuyên bố mục tiêu tiếp theo sẽ là chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - một bước nhảy vọt về năng lực tác chiến trên biển.
Giới quan sát nhận định khu trục hạm mới của Triều Tiên nhiều khả năng được phát triển với sự hỗ trợ từ Nga. Dù hải quân Triều Tiên vẫn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, các chuyên gia vẫn cảnh báo khu trục hạm này là mối đe dọa nghiêm trọng do có thể tăng cường đáng kể năng lực tấn công và phòng thủ của Bình Nhưỡng.
Tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây tiếp tục leo thang căng thẳng, khi Bình Nhưỡng tăng tốc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời cung cấp vũ khí, binh lực để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh lo ngại Moscow có thể “đáp lễ” bằng cách chuyển giao công nghệ vũ khí tiên tiến cho Triều Tiên, khiến mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của nước này càng trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.