Nhảy đến nội dung

Chiến dịch vĩ đại nhất của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II

Ngày 23/6/1944, ba năm sau khi phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô, Hồng quân khởi động "chiến dịch Bagration", mật danh của Chiến dịch Tiến công Chiến lược Belorussia với sự tham gia của 6 mũi tấn công từ 4 phương diện quân.

Mật danh này lấy theo tên của Pyotr Bagration, tướng Nga thiệt mạng ở trận Borodino trong chiến tranh Nga - Pháp năm 1812. Chiến dịch diễn ra trên lãnh thổ Belorussia, ngày nay là Belarus, cùng Litva, một phần lãnh thổ Latvia và vùng đông bắc Ba Lan.

Khu vực này do Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của phát xít Đức phụ trách, có vị trí chiến lược rất quan trọng trên toàn bộ mặt trận Xô - Đức. Cánh phải của cụm quân này có thể uy hiếp bên sườn và phía sau các binh đoàn của Phương diện quân Ukraina 1, khi đó chuẩn bị mở Chiến dịch Lvov-Sandomierz ở đông nam Ba Lan.

Cụm Tập đoàn quân Trung tâm cũng là lực lượng từng áp sát ngoại ô thủ đô Moskva trong chiến dịch Barbarossa trước đó ba năm.

Trong chiến dịch Bagration, bài bản tấn công của học thuyết "Tác chiến chiều sâu" đã được Hồng quân Liên Xô thực hiện gần như hoàn hảo ở mọi cấp độ.

Học thuyết này đặc biệt đề cao vai trò của xe tăng và bộ binh cơ giới. Những mũi tấn công này có nhiệm vụ đục thủng phòng tuyến đối phương, tiến thật sâu vào hậu phương địch rồi mở rộng khe hở vừa tạo ra. Sau đó, từng phân đoạn trên phòng tuyến đối phương sẽ bị bao vây, chia cắt.

Học thuyết đánh dấu lần đầu một quân đội đưa binh chủng lính dù và du kích địa phương lên ngang hàng với các đơn vị chủ lực, trở thành phần không thể tách rời trong thế trận hiệp đồng tấn công tổng lực.

Trong tác chiến chiều sâu, hoạt động nghi binh thành công có thể khiến đối phương đánh giá sai lầm về hướng hành quân và binh lực, dẫn tới sơ hở nghiêm trọng khi đòn tấn công thọc sâu diễn ra.

Hồng quân Liên Xô đã nghi binh thành công trong các chiến dịch từ cuối năm 1942 đến mùa xuân năm 1944, nhưng chưa hoạt động nào được chuẩn bị công phu như chiến dịch Bagration. Mục đích là khiến bộ chỉ huy phát xít Đức không thể xác định hướng tấn công chính trong mùa hè năm 1944.

Từ tháng 4/1944, Hồng quân Liên Xô chuyển toàn bộ mặt trận sang trạng thái phòng ngự và áp dụng triệt để mọi biện pháp giữ bí mật.

Cùng lúc đó, lực lượng ở Ukraine giả vờ tập trung binh lực để chuẩn bị tấn công. Không quân vẫn áp chế hoạt động trinh sát đường không của phát xít Đức dọc tiền tuyến, nhưng cố tình để máy bay địch phát hiện các đơn vị đang ở vị trí tập kết theo hướng Ukraine.

Bộ chỉ huy phát xít Đức hoàn toàn không biết Hồng quân đã bí mật chuyển 3 tập đoàn quân bộ binh cơ giới, một tập đoàn quân xe tăng và nhiều sư đoàn đến tăng cường cho các đơn vị đối diện với Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Đến ngày mở màn chiến dịch Bagration, phát xít Đức vẫn tin rằng hàng loạt tập đoàn quân Liên Xô vẫn ở mặt trận Ukraine.

Vào thời điểm chiến dịch Bagration bắt đầu, Hồng quân Liên Xô có khoảng 1,2 triệu binh sĩ để đối đầu với 800.000 quân Đức. Số lượng xe tăng, pháo và chiến đấu cơ của Liên Xô cũng áp đảo đối phương, cho phép họ làm chủ bầu trời và chiếm ưu thế hỏa lực.

Thời gian tấn công dự kiến trong khoảng ngày 15-20/6/1944. Lãnh đạo Iosif Stalin quyết định dời ngày mở màn chiến dịch sang 23/6 vì quy mô mặt trận quá lớn, công tác đảm bảo hậu cần không theo kịp.

Ngày 22/6/1944, tròn 3 năm sau ngày phát xít Đức bắt đầu chiến dịch Barbarossa, Hồng quân Liên Xô nổ súng thăm dò trên toàn mặt trận, đồng thời lôi kéo đối phương khỏi các tuyến phòng ngự để tăng tối đa sát thương trong các đợt không kích và pháo kích vào ngày mở chiến dịch.

Các cuộc tấn công mạnh mẽ gần như ngay lập tức chọc thủng 6 điểm trên phòng tuyến phát xít Đức. Xe tăng, bộ binh của Hồng quân tràn qua các lỗ hổng và nhanh chóng đạt đà tiến lên tới 25 km mỗi ngày. Cường kích Liên Xô liên tục oanh tạc các điểm vượt sông và lực lượng Đức đang rút lui, khiến đối phương không thể tái tập hợp hoặc thiết lập vị trí phòng thủ mới.

Hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa lục quân và không quân Liên Xô khiến các tập đoàn quân phát xít Đức gần Vitebsk, Bobruisk, Orsha và Mogilev hứng tổn thất nặng nề. Lực lượng chủ lực của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm bị bao vây tại thủ đô Minsk của Belorussian và xóa sổ hoàn toàn.

Sau khi đánh tan những khu vực phòng ngự chiến thuật, các phương diện quân của Hồng quân Liên Xô nhanh chóng tổ chức mũi thọc sâu. Ngày 28/6, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô chỉ đạo các phương diện quân phải tiến xa hơn về phía tây. Đây là giai đoạn phát huy thành quả của chiến dịch Belorussia và phạm vi lan rộng ra lãnh thổ các nước cộng hòa vùng Baltic và Ba Lan.

Hồng quân Liên Xô lúc này cũng bị tiêu hao lực lượng, nhưng vẫn duy trì sức chiến đấu đáng kể so với đối phương đã mất ý chí. Các phương diện quân tổ chức 5 chiến dịch liên hoàn để phá vỡ phòng tuyến của phát xít Đức, giành bàn đạp cho những chiến dịch tiếp theo.

Hồng quân Liên Xô cũng nhận được hỗ trợ rất lớn từ các nhóm du kích trong chiến dịch, khi lực lượng này phá hoại hạ tầng đường sắt của phát xít Đức tại hậu phương. Kết quả là 215.000 tuyến đường sắt và hàng chục cây cầu bị phá hủy, hơn 1.000 chuyến tàu bị trật bánh, lưu lượng giao thông vận tải của phát xít Đức ở mặt trận phía Đông giảm 40%.

Đến cuối tháng 8, Hồng quân chuyển sang phòng ngự để nghỉ ngơi, củng cố và bổ sung lực lượng sau thời gian dài chiến đấu. Liên Xô chịu tổn thất gồm gần 180.000 quân nhân thiệt mạng, gần 590.000 người bị thương hoặc ốm bệnh trong chiến đấu.

Chiến dịch Bagration được xem là chiến thắng vĩ đại nhất của Hồng quân trong cả cuộc chiến. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là tiến khoảng 200-250 km, nhưng thực tế Hồng quân Liên Xô đã tiến sâu tới 500-600 km dọc theo mặt trận rộng 1.100 km, giải phóng hoàn toàn Belorussia cùng nhiều vùng ở Litva, Latvia và Ba Lan.

Đối với phát xít Đức, đây là thất bại thảm hại nhất trong toàn bộ Thế chiến II. Khi chiến dịch Bagration kết thúc, 17 sư đoàn và 3 lữ đoàn phát xít Đức đã bị tiêu diệt hoàn toàn, khoảng 50 sư đoàn mất hơn một nửa quân số. Cụm Tập đoàn quân Trung tâm bị xóa sổ với tổn thất hơn 500.000 người chết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh.

Mặt trận Belorussia bị đánh sập khiến phát xít Đức phải rút quân từ các Cụm Tập đoàn quân khác để lập phòng tuyến mới, tạo tiền đề cho thành công của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Lvov-Sandomir và Yass-Kishinev vào tháng 8-9/1944, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Liên Xô, bắt đầu tiến sang các nước Đông Âu và chuẩn bị cho chiến dịch Wisla-Oder ở giai đoạn kế tiếp.

"Cái kết đang đến gần. Chỉ còn tàn quân của 30 sư đoàn là không bị Liên Xô tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh", tướng Đức Siegfried Westphal mô tả về thất bại của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm trong chiến dịch Bagration.

Dù có tầm quan trọng rất lớn, chiến dịch Bagration không được coi là bước ngoặt trong Thế chiến II. Kết cục của phát xít Đức gần như đã được định đoạt trong trận vòng cung Kursk trước đó một năm. Khoảng 8 tháng sau chiến dịch Bagration, Hồng quân mở chiến dịch công phá Berlin và chiếm được sào huyệt của phát xít Đức, kết thúc chiến tranh ở châu Âu.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử coi Bagration là một trong hai chiến dịch tiêu biểu cho nghệ thuật chiến tranh Liên Xô trong Thế chiến II, bên cạnh chiến dịch Lvov-Sandomir, thể hiện sự trưởng thành và hoàn thiện năng lực của các tướng lĩnh Hồng quân.

"Các chỉ huy ở mọi cấp độ đã phát triển chiến thuật nhằm bao vây nhanh chóng và tiêu diệt các nhóm quân lớn của kẻ địch. Năng lực của chỉ huy, tài năng và sự dũng cảm của binh sĩ đã giúp xóa sổ hoàn toàn tập đoàn quân lớn nhất của phát xít Đức tại hướng tiến công chiến lược Berlin", nguyên soái Georgy Zhukov viết trong hồi ký về chiến dịch Bagration.

Phạm Giang (Theo RBTH, RIA Novosti)