Chiến dịch của Liên Xô đập tan sào huyệt phát xít Đức năm 1945

Đầu tháng 2/1945, Phương diện quân Belorussia số 1 của Liên Xô do nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy bắt đầu áp sát Berlin, chỉ còn cách "sào huyệt phát xít Đức" khoảng 70 km.
Trong những tháng tiếp theo, Hồng quân tiếp tục củng cố lực lượng để chuẩn bị cho Chiến dịch Tiến công Chiến lược Berlin, hoạt động quân sự quan trọng nhất trong giai đoạn cuối Thế chiến II. Những chiến dịch thành công tại Đông Pomerania, Hungary, Slovakia và Áo đã giúp bảo vệ hai bên sườn của lực lượng Liên Xô trên hướng tấn công chính.
Hồng quân Liên Xô tập trung khoảng hai triệu quân nhân cho chiến dịch công phá Berlin. Ngoài lực lượng dưới quyền Nguyên soái Zhukov, chiến dịch còn có sự tham gia của Phương diện quân Ukraine số 1, Phương diện quân Belorussia số 2, Tập đoàn quân Không quân số 18, Đội tàu Dnieper và Hạm đội Baltic.
Tập đoàn quân số 1 và số 2 của Ba Lan cũng tham chiến trong đội hình các phương diện quân Liên Xô.
"Chúng tôi quyết định giáng đòn mạnh để khiến quân địch choáng váng ngay lập tức và lung lay tới tận gốc rễ, bằng cách huy động không quân, xe tăng, pháo binh và các loại vũ khí khác tấn công dữ dội", nguyên soái Zhukov viết trong hồi ký.
Thủ đô Berlin khi đó được bảo vệ bởi lực lượng thuộc Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, Cụm Tập đoàn quân Vistula và các tiểu đoàn dân quân Volkssturm, với tổng quân số khoảng 800.000 người. Quân số và máy bay của Hồng quân Liên Xô nhiều hơn đối phương hai lần, còn pháo binh và xe tăng là 4 lần.
Bộ chỉ huy phát xít Đức đặt hết hy vọng vào phòng tuyến vững chắc mà họ đã xây dựng từ sông Oder đến Berlin.
Một trong những tuyến phòng thủ kiên cố đầu tiên mà Hồng quân phải đối mặt là loạt cao điểm ở gần thị trấn Seelow, nơi phát xít Đức triển khai khoảng 110.000 lính và vũ khí hạng nặng thuộc Cụm Tập đoàn quân Vistula.
"Mạng lưới hào sâu, đặc biệt là phía sau các sườn đồi, giúp đối phương bảo vệ lực lượng khỏi hỏa lực pháo binh và không quân của chúng tôi", nguyên soái Zhukov viết.
Chiến dịch của Hồng quân Liên Xô nhằm công phá Berlin được phát động từ ngày 16/4/1945. Họ chủ trương tiến quân từ từ nhằm bào mòn dần phòng tuyến, dập tắt sức kháng cự của phát xít Đức.
Ba ngày sau, các đơn vị Hồng quân giành được cao điểm Seelow, còn được ví là "Cửa ngõ Berlin". Đây cũng là một trong những cuộc tấn công xung kích cuối cùng nhằm vào mạng lưới phòng tuyến quy mô lớn trong Thế chiến II.
Các đơn vị thiết giáp thuộc Phương diện quân Belorussian số 1 và Phương diện quân Ukraine số 1 sau đó giành được đà tiến, bắt đầu đột phá thành công vào phòng tuyến đối phương và mở đường cho quân chủ lực tiến về Berlin.
Pháo binh tầm xa của Liên Xô ngày 20/4 lần đầu khai hỏa vào thủ đô của Đức, đúng ngày sinh nhật của trùm phát xít Adolf Hitler.
Phương diện quân Belorussian số 1 cùng ngày tiếp cận Berlin từ phía bắc và đông, trong khi Phương diện quân Ukraine số 1 phá vỡ tuyến phòng thủ của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm phát xít Đức và hướng về khu vực ngoại ô phía nam thành phố.
Lãnh đạo Liên Xô Iosif Stalin trao nhiệm vụ chiếm thủ đô Đức cho nguyên soái Zhukov.
Ngày 25/4, lực lượng thuộc Phương diện quân Belorussia số 1 hội quân với các đơn vị của Phương diện quân Ukraine số 1 gần thị trấn Ketzin ở phía tây Berlin. Thành phố lúc này gần như đã bị bao vây hoàn toàn, khiến khoảng 200.000 lính Đức, thành viên SS và dân quân Volkssturm mắc kẹt.
Vào thời điểm này, nỗ lực cố thủ của lực lượng Đức không còn tác dụng gì ngoài trì hoãn thời điểm Hồng quân kiểm soát hoàn toàn Berlin, do kết quả chiến dịch đã được định đoạt sau những chiến thắng của Liên Xô ở ngoại ô thành phố.
Dù vậy, sào huyệt của phát xít Đức khi đó vẫn là pháo đài thật sự. Mọi tòa nhà kiên cố đều được biến thành cứ điểm phòng thủ. Phát xít Đức tận dụng hệ thống công trình ngầm, như tàu điện ngầm, hầm trú ẩn, cống rãnh và kênh thoát nước, để di chuyển giữa các khu vực và bất ngờ tập hậu đội hình Liên Xô.
Dẫn đầu mũi tiến công của Liên Xô là các nhóm bộ binh xung kích được yểm trợ bởi pháo binh, xe tăng và công binh. "Chúng tôi tiến rất chậm và bám sát tường, nhằm bảo đảm ít nhất một bên sườn xe tránh được đòn tập kích bằng súng chống tăng. Mọi xe tăng di chuyển giữa đường đều nhanh chóng bị bắn cháy", Ivan Maslov, lính tăng Liên Xô tham gia chiến dịch, kể lại.
Nguy hiểm không kém là pháo phòng không của phát xít Đức, mục tiêu bị nhắm tới không chỉ là máy bay mà còn cả bộ binh và thiết giáp.
Hồng quân càng tiến gần trung tâm Berlin, phát xít Đức càng kháng cự quyết liệt. Trong những ngày tiếp theo, lực lượng phòng thủ Berlin bị chia cắt thành nhiều nhóm nhỏ và không thể yểm trợ cho nhau.
Rạng sáng 30/4, lực lượng Liên Xô bắt đầu tiến đánh tòa nhà quốc hội Đức (Reichstag), công trình biểu tượng ở trung tâm Berlin. Adolf Hitler được báo cáo rằng các đơn vị phòng thủ sẽ cạn kiệt đạn dược trước ngày 1/5. Trùm phát xít và vợ Eva Braun tự sát chiều 30/4, thi thể hai người được hỏa thiêu ngay gần hầm trú ẩn.
Hỏa lực trực xạ từ pháo phòng không cỡ 128 mm của phát xít Đức đặt trên các tháp cao cách Reichstag khoảng 2 km, cũng như binh sĩ phòng thủ bên trong đã gây khó khăn cho các đơn vị Hồng quân. Phải đến tối 30/4, Hồng quân Liên Xô mới tiến được vào tòa nhà dưới sự yểm trợ của lựu pháo 152 mm và 203 mm.
Giao tranh dữ dội tiếp tục xảy ra bên trong, hai bên giành giật từng căn phòng. Lực lượng phát xít Đức cố thủ dưới hầm ngầm cũng tiến hành phản công nhằm đánh bật đối phương ra ngoài.
Rạng sáng 1/5, tổng tham mưu trưởng lục quân phát xít Đức Hans Krebs dẫn dầu phái đoàn đại diện chính phủ mới dưới quyền đô đốc Karl Donitz mang cờ trắng đến sở chỉ huy của Tập đoàn quân Cận vệ số 8 Liên Xô, nhằm thương thuyết về lệnh ngừng bắn.
Hai bên bất đồng khi Liên Xô yêu cầu phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, còn tướng Krebs cho biết không đủ thẩm quyền ra quyết định này. Giao tranh vẫn tiếp diễn bên trong tòa nhà cho đến tối hôm đó.
Ngày 2/5, giới chỉ huy Đức quyết định rằng tiếp tục kháng cự là vô ích. Helmuth Weidling, chỉ huy cuối cùng của lực lượng phát xít Đức ở Berlin, ra lệnh cho các binh sĩ đầu hàng lúc 6h30. Nhiếp ảnh gia Yevgeny Khaldei sau đó chụp bức ảnh lính Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Reichstag, hình ảnh mang tính biểu tượng và đánh dấu kết thúc chiến dịch công phá Berlin.
Trong chiến dịch công phá Berlin, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại tổng cộng 70 sư đoàn bộ binh cùng 23 sư đoàn thiết giáp và cơ giới của phát xít Đức. Số lượng quân nhân Đức thiệt mạng và mất tích là khoảng 100.000, còn phía Liên Xô là khoảng 80.000. Gần 480.000 binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh.
Thế chiến II chính thức kết thúc tại châu Âu ngày 9/5/1945, khi đại diện phát xít Đức ký vào biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện trước đại diện Đồng minh tại Berlin. Hồng quân Liên Xô tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên vào ngày 24/6/1945. Lễ duyệt binh sau đó diễn ra ngày 9/5 vào các năm 1965, 1985 và 1990.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga nối lại Duyệt binh Chiến thắng tại Moskva từ năm 1995. Từ đó tới nay, sự kiện này diễn ra thường niên vào ngày 9/5. Năm 2020, Nga không tổ chức Duyệt binh Chiến thắng vào ngày 9/5 mà lùi sang ngày 24/6 do đại dịch Covid-19.
Phạm Giang (Theo Russia Beyond)