Chiêm ngưỡng ngôi nhà 'thở' giữa lòng thiên nhiên

Giữa miền xanh mướt của vùng Kottayam (Ấn Độ), một công trình nhà ở có bốn phòng ngủ thu hút sự chú ý của giới kiến trúc với cách kết hợp hài hoà giữa truyền thống Kerala và tư duy thiết kế đương đại. Không chỉ là không gian sống, đây còn là minh chứng cho một triết lý sống bền vững, nơi con người, kiến trúc và thiên nhiên giao hoà trong từng hơi thở.
Điểm nhấn của công trình và cũng là nét “nghệ sĩ” nhất chính là phần mái đua khổng lồ vươn ra không gian bên ngoài. Đây không chỉ là chi tiết kỹ thuật đầy thách thức, mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ mang tính biểu tượng cho sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống.
Ánh sáng được tính toán kỹ lưỡng để tràn ngập không gian sống mà không gây chói gắt. Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp tiết kiệm điện năng mà còn tạo nên một không gian sống tràn ngập sinh khí, thân thiện với sức khoẻ người dùng. |
Ngôi nhà này được giới chuyên môn xem như một hình mẫu tiêu biểu cho kiến trúc bền vững ở vùng khí không hậu nhiệt đới.
Kiến trúc sư gọi đây là ngôi nhà có thể thở bởi sự mở - đóng uyển chuyển của các không gian giúp công trình như sống cùng nhịp điệu của những người cư ngụ bên trong. Tường “Jali” là loại tường đục lỗ truyền thống được sử dụng như một lớp vỏ bảo vệ, cho phép gió xuyên qua khắp các khối nhà. Nhờ vậy, ngay cả trong điều kiện nắng nóng cao điểm, bên trong vẫn duy trì sự mát mẻ tự nhiên, hạn chế tối đa nhu cầu làm mát bằng điện.