Nhảy đến nội dung
 

Chiếm vỉa hè: Cái sai phải bị xử lý

Một cô gái ở Hà Nội bị người bán trà đá trên vỉa hè động tay động chân "xua đuổi" vì cho rằng cô gái đã đứng chắn trước chỗ chị bán trên vỉa hè. Đây là một ví dụ cụ thể cho câu chuyện nhiều người xem vỉa hè là của riêng.

Bài toán giải quyết nạn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường cũng chưa tìm ra đáp án.

Chiếm vỉa hè quanh năm suốt tháng

Những nạn nhân tương tự cô gái kia không hiếm. Chẳng qua lần này có camera "chạy bằng cơm" ghi lại được bằng chứng. Nếu không thì người gây sự chắc sẽ sử dụng câu từ quen thuộc: "Đã làm gì đâu, đã nói gì đâu".

Một số tuyến đường khu vực trung tâm của TP.HCM và Hà Nội, người dân cũng như du khách hiếm có cảm giác thong dong khi thả bộ dạo phố. Không ít hộ kinh doanh mặt tiền đường vẫn "sử dụng" không gian phía trước như "sân nhà". Không bày bàn ghế, hàng hóa thì cũng dựng xe hai bánh, khách bộ hành chỉ còn cách mạo hiểm bước xuống lòng đường.

Những đoạn không kinh doanh buôn bán thì chậu cây cảnh to đặt trước cổng nhà, ghế đá cho chủ nhân ngồi uống trà tán gẫu, lướt điện thoại hoặc đánh cờ chiếm gần hết lối đi. Nhà mặt phố lại có ô tô cá nhân thì khỏi phải bàn. 

Ban ngày xe đậu trước cổng dưới lòng đường hoặc leo hẳn lên lề đường. Cá biệt có gia đình còn làm hẳn một "gara di động" với mái che lắp ráp hẳn hoi cho xế hộp, chiếm dụng quanh năm suốt tháng. Chiếm dụng lề đường buôn bán đã sai quy định, nghĩ vỉa hè là của mình và gây sự với người khác càng đáng lên án hơn.

Giải pháp nào khả thi?

Nhiều TP lớn đã và đang thí điểm cho thuê một phần diện tích vỉa hè, có thể tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên ở những tuyến đường, khu vực thuộc không gian chung cần trả lại vỉa hè cho cộng đồng theo đúng nghĩa.

Đường đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) có từ hàng chục năm nay nhưng vẫn phải đau đầu vì tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách. Từng có những vụ xô xát giữa người bán với người "không mua" (khách tham quan). 

Hình ảnh chung dễ bắt gặp ở vỉa hè nhiều nơi, việc lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra hằng ngày, dẹp rồi lại tái diễn lấn chiếm. Thấy bóng dáng của lực lượng kiểm tra xuất hiện, người bán hàng tự động giải tán, nhưng khi tổ công tác rời đi thì mọi việc vẫn như cũ.

Giải pháp căn cơ vẫn là vận động người bán hàng rong vào hoạt động có tổ chức. Chỉ nhắc nhở lần đầu, kiên quyết xử phạt khi tái phạm. Đây là cách tạo điều kiện cho người dân mưu sinh chính đáng và đảm bảo văn minh mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, nhiệm vụ nan giải từ hàng chục năm nay. Dẫu vậy không có nghĩa là khó quá mà bỏ qua.

Việc này không khó hơn việc trị "ma men" lái xe. Chúng ta đã làm rất tốt việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Vì vậy chuyện chiếm dụng trái phép lòng lề đường lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật phải làm bằng được. Cũng nên áp dụng "phạt nguội" qua hình ảnh giống như xử lý vi phạm an toàn giao thông.

Vai trò của mỗi người dân cũng rất quan trọng. Bên cạnh ghi lại hình ảnh, thông tin vi phạm gửi đến cơ quan có thẩm quyền, cần tự giác mua hàng, ăn uống đúng nơi quy định.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn