Chì tình cờ hóa vàng khi tái hiện sự kiện Big Bang trong lòng đất

Trong quá trình thí nghiệm ở Máy gia tốc hạt (LHC) bên dưới biên giới Pháp-Thụy Sĩ, các nhà vật lý học tình cờ đạt được đột phá: biến chì thành vàng.
Các nhà theo thuật giả kim thời Trung Cổ luôn mơ ước sở hữu năng lực biến chì thành vàng.
Ngày nay, chúng ta biết được chì và vàng là những nguyên tố khác nhau, và không có chất hóa học nào có thể biến kim loại này thành kim loại khác.
Thế nhưng, với kiến thức hiện tại, giới chuyên gia cũng biết được rằng sự khác biệt cơ bản giữa một nguyên tử chì và một nguyên tử vàng chính là nguyên tử chì có thêm 3 proton. Vậy liệu chúng ta có thể tạo ra một nguyên tử vàng bằng cách tách 3 proton khỏi một nguyên tử chì hay không?
Hóa ra điều này có thể thực hiện, nhưng chẳng dễ dàng.
Trong khi cho các nguyên tử chì va đập vào nhau với tốc độ cực cao để mô phỏng trạng thái của vũ trụ ngay sau sự kiện Big Bang, các nhà vật lý tham gia thí nghiệm ALICE ở Máy gia tốc hạt lớn (LHC) bên dưới biên giới Pháp-Thụy Sĩ tình cờ tạo ra một lượng nhỏ vàng.
Tổng số vàng được tạo ra bên trong cỗ máy khổng lồ là khoảng 29 phần nghìn tỉ của một gram.
Làm sao để đoạt proton của nguyên tử?
Proton được tìm thấy trong hạt nhân của một nguyên tử. Bằng cách nào có thể rút proton khỏi nhân?
Đây là điều khả thi, vì proton có điện tích nên các chuyên gia có thể sử dụng một trường điện để đẩy hoặc rút proton khỏi nhân của nguyên tử.
Tuy nhiên, trên thực tế điều này vô cùng khó thực hiện, và chỉ có cỗ máy như Máy gia tốc hạt lớn của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) mới có thể làm được.