Nhảy đến nội dung

Chi tiết quan trọng cần chú ý khi mua cáp USB

Khi mua cáp USB để sạc các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, tai nghe… người dùng cần chú ý đến một thông số quan trọng.

Với sạc nhanh thiết bị điện tử ngày càng phổ biến, người dùng cần chú ý đến cáp USB đạt chứng chỉ USB Power Delivery (hay USB PD) - công nghệ được phát triển để đáp ứng nhu cầu này.

USB PD là chuẩn sạc nhanh phổ biến hiện nay, được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại thiết bị như smartphone, laptop, tablet hay màn hình hiện đại. Công nghệ này cho phép người dùng sử dụng bộ sạc duy nhất cho nhiều thiết bị khác nhau, từ đó giúp giảm thiểu việc mang theo nhiều bộ sạc.

Không phải mọi cáp USB PD đều như nhau

Ra mắt lần đầu vào năm 2012, USB PD hiện đã có phiên bản thứ ba với khả năng cung cấp công suất lên đến 240W. Trong khi đó, các phiên bản trước, như USB PD 1.0 và 2.0, chỉ đạt tối đa 100W. Đặc biệt, khác với các phiên bản trước đó, USB PD 3.0 yêu cầu sử dụng cáp USB-C ở cả hai đầu.

Điểm nổi bật của USB PD không chỉ nằm ở công suất đầu ra cao mà còn ở khả năng hỗ trợ nhiều mức điện áp như 5V, 9V, 15V và 20V. Công nghệ này cho phép bộ sạc và thiết bị kết nối giao tiếp để xác định mức điện áp phù hợp. Ví dụ, nếu điện thoại chỉ cần 18W, bộ sạc USB PD sẽ cung cấp đúng mức đó giúp tiết kiệm năng lượng và ngăn ngừa quá nhiệt, từ đó nâng cao độ an toàn trong quá trình sạc.

Một tính năng đáng chú ý khác của USB PD là khả năng cung cấp điện hai chiều. Khác với các bộ sạc USB cũ, vốn chỉ có thể cung cấp điện từ bộ sạc đến thiết bị, USB PD cho phép điện chạy cả đến và đi từ thiết bị. Điều này có nghĩa là người dùng có thể sử dụng điện thoại hỗ trợ USB PD để sạc các thiết bị khác, chẳng hạn như laptop.

Để tận dụng tối đa công nghệ USB PD, người dùng cần có bộ sạc, cáp và thiết bị tương thích. Mặc dù USB PD có khả năng cung cấp công suất lên đến 240W, hầu hết smartphone hiện nay chỉ yêu cầu tối đa khoảng 45W, trong khi laptop thường cần khoảng 100W. Tuy nhiên, các công ty như OPPO đang nghiên cứu bộ sạc 240W, điều này cho thấy công suất cao hơn có thể trở thành tiêu chuẩn trong tương lai gần.