Chỉ tiêm 1 loại vắc xin, người trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh tử do não mô cầu

Theo thống kê, trẻ ở độ tuổi từ 10-17 thường có khoảng trống miễn dịch, vẫn có thể mắc và gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong do bệnh não mô cầu.
Nhiều lý do khiến trẻ vị thành niên dễ mắc não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng của con người. Theo nghiên cứu, có từ 5-25% dân số mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ viêm mũi họng, cao hơn trong các vụ dịch.
Khi ra ngoài môi trường, vi khuẩn lây chủ yếu qua đường hô hấp, lây gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng dính mầm bệnh. Theo BS. Lê Thị Minh Nguyệt - Quản lý Y khoa vùng 3 miền Trung - Tây Nguyên, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, trẻ vị thành niên thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc não mô cầu. Lý do, thanh thiếu niên là người lành mang trùng nhiều nhất, lên đến 23,7% ở tuổi 19.
Nhóm trẻ này thường giao lưu, tiếp xúc với nhiều người, sinh hoạt ở nơi công cộng như trường học, ký túc xá, câu lạc bộ, lễ hội.
“Hiện giới trẻ Việt Nam có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm, hoặc thường có hành vi thân mật như ôm hôn, tiếp xúc gần”, BS. Nguyệt chia sẻ. Theo kết quả Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 của Bộ Y tế và WHO, tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp đôi so với năm 2013.
Theo BS. Nguyệt, hiện nay nhiều cha mẹ cho rằng, con ở tuổi “bẻ gảy sừng trâu” sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có não mô cầu hay con đã được tiêm vắc xin não mô cầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là đủ nên không chủng ngừa nữa. “Vì vậy, nhiều gia đình chỉ tập trung chủng ngừa cho trẻ nhỏ, bỏ qua trẻ lớn, đây là những quan điểm chưa đúng. Theo thống kê, trẻ ở độ tuổi từ 10-17 tuổi thường có khoảng trống miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ mắc và làm lây lan mầm bệnh”, BS. Nguyệt nói.
Căn bệnh ám ảnh trẻ vị thành niên
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong các đối tượng mắc não mô cầu, trẻ vị thành niên và người trẻ từ 16 đến 23 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tại Việt Nam, thanh thiếu niên và người trưởng thành chiếm 60% số ca não mô cầu được báo cáo. Vì vậy, căn bệnh này nằm trong 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhất với hàng chục ca mắc và tử vong mỗi năm.
Thời gian qua, nước ta ghi nhận nhiều trẻ em và thanh niên mắc não mô cầu và gặp biến chứng nặng khi chưa tiêm vắc xin. Mới đây nhất là trường hợp thiếu niên 17 tuổi chưa tiêm vắc xin được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với biến chứng viêm cơ tim, nhồi máu não. 74 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được theo dõi tình hình sức khỏe. Trước đó, một quân nhân 24 tuổi đã tử vong do ngừng tuần hoàn, sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.
BS. Nguyệt khuyến cáo, não mô cầu có thể tử vong trong 24 giờ, tỷ lệ đến 50%. 10-20% số người sống sót gặp phải các di chứng nặng nề như cắt cụt chi, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần… Song các triệu chứng bệnh như sốt, đau đầu… giống cúm nên nhiều người nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị muộn, tăng nguy cơ tử vong.
Cách phòng ngừa não mô cầu hiệu quả cho trẻ vị thành niên
Theo BS. Nguyệt, cách phòng ngừa não mô cầu hiệu quả là tiêm vắc xin. Điều này được CDC Mỹ, WHO, nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh. Ngoài tiêm cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, trẻ vị thành niên và người trẻ cũng cần chủng ngừa đầy đủ.
Hiện Việt Nam có 3 loại vắc-xin phòng 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy hiểm gồm vắc xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Các vắc xin tiêm cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mỗi người cần tiêm đầy đủ vắc-xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 đã giúp giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở nhóm thanh thiếu niên do các nhóm huyết thanh chính C, Y, W. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo việc phòng ngừa đủ và bảo vệ rộng là việc cần thiết để phòng ngừa bệnh do não mô cầu.
Ngoài vắc xin, trẻ vị thành niên cũng nên thường xuyên rửa tay, tránh hút thuốc, sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi các dấu hiệu sốt, đau đầu, nhức mỏi người… trẻ cần đi khám càng sớm càng tốt.
Quang Hùng