Chi phí y tế, giáo dục được trừ thuế thu nhập cá nhân: Cần quy định ngưỡng trần

Người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được khấu trừ chi phí y tế, giáo dục - đào tạo cho bản thân mình và người phụ thuộc, một đề xuất mới của Bộ Tài chính trong dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang lấy ý kiến.
Đề xuất Chính phủ quy định mức giảm trừ chi phí y tế, giáo dục
Trong hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số khoản giảm trừ thu nhập mang tính đặc thù.
Theo đó, Bộ này đề xuất người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế.
Phạm vi và mức độ giảm trừ các khoản chi này cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo vừa đạt mục tiêu hỗ trợ người nộp thuế, vừa duy trì vai trò điều tiết và phân phối lại thu nhập của chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Do vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
Đề xuất của Bộ Tài chính xuất phát từ thực tế có nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét cho phép người nộp thuế được khấu trừ một số chi phí phát sinh trong năm, như chi phí y tế, giáo dục, trước khi tính thuế. Việc này nhằm giảm gánh nặng tài chính và hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo các hình thức và cách thức khác nhau. Các nước áp dụng chia thành 3 nhóm: Giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc và các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù.
Trong đó, các khoản giảm trừ đặc thù là các khoản trừ mà đối tượng nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Chi tiêu cho các khoản mục mà nhà nước khuyến khích như cho y tế, giáo dục...
Phạm vi các khoản giảm trừ này cũng rất đa dạng. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia. Có quốc gia cho phép giảm trừ chi phí giáo dục của con, hoặc cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp để khuyến khích người dân sở hữu nhà hay các khoản đóng góp từ thiện.
Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã quy định giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.
Đồng thời, luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo...
Cần quy định ngưỡng trần khấu trừ thuế
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá, việc Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến, tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi đưa những chi phí đặc thù khác liên quan đến giáo dục, y tế cho người nộp thuế và người phụ thuộc là điều đáng mừng.
Điều này thể hiện sự cầu thị của cơ quan soạn thảo và phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện thực tiễn hiện nay. Nhất là việc cơ quan soạn thảo đề nghị Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ông Được cho rằng, Chính phủ cần quy định rõ các khoản chi cho y tế, giáo dục với người nộp thuế và với người phụ thuộc là con. Còn với người phụ thuộc là bố, mẹ và người phụ thuộc khác chỉ nên quy định chi phí chăm sóc sức khỏe, không nên tính giảm trừ chi phí giáo dục vì không phù hợp.
Theo vị chuyên gia, cần quy định ngưỡng trần cụ thể đối với chi phí y tế và giáo dục được khấu trừ thuế, nhằm đảm bảo các khoản chi này không vượt quá một tỷ lệ nhất định so với thu nhập của người nộp thuế. Một phương án khác, có thể dựa trên mức chi phí của bệnh viện và trường học công lập để tính toán mức khấu trừ hợp lý.
“Có thể cho phép khấu trừ 100% chi phí khám chữa bệnh, học phí trong hệ thống công lập nhưng vẫn giới hạn ở một tỷ lệ phù hợp trên tổng thu nhập. Điều này vừa đảm bảo người nộp thuế có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách, vừa duy trì được sự công bằng giữa các nhóm đối tượng.
Đồng thời, mức khấu trừ cần được thiết kế hợp lý, tránh quá cao gây thất thu ngân sách và làm giảm hiệu quả điều tiết, định hướng của chính sách thuế”, ông Được góp ý.