Chi phí sửa chữa khiến người dùng MacBook 'choáng váng'

Khi chế độ bảo hành MacBook không còn, việc sửa chữa chúng có thể trở thành một gánh nặng tài chính mà nhiều người phải ngán ngẩm.
Nhiều người dùng MacBook cảm thấy choáng váng khi nhận được báo giá sửa chữa cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm máy tính xách tay đối thủ, ngay cả với những hỏng hóc nhỏ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Linh kiện độc quyền
Apple nổi tiếng với việc sử dụng các bộ phận độc quyền khiến cho việc thay thế linh kiện trở nên khó khăn và tốn kém. Nhiều trường hợp, người dùng không thể sử dụng linh kiện thay thế từ bên thứ ba. Ngay cả khi cố gắng lắp ráp các bộ phận từ MacBook khác, người dùng cũng có thể gặp phải các biện pháp bảo vệ phần cứng. Điều này buộc người dùng phải đến các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền, nơi họ chịu mức giá sửa chữa do Apple kiểm soát.
MacBook được thiết kế mỏng nhẹ và sang trọng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các linh kiện thường được hàn hoặc dán chặt với nhau. Khi một bộ phận hỏng, việc sửa chữa có thể yêu cầu thay thế toàn bộ bo mạch và dẫn đến chi phí sửa chữa tăng cao. Ví dụ, việc thay thế một vài phím trên bàn phím cũng có thể tốn hàng triệu đồng, trong khi một số kỹ thuật viên độc lập có thể thực hiện công việc này với chi phí thấp hơn.
Hạn chế vào công cụ sửa chữa
Các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền có quyền truy cập vào các công cụ và linh kiện cần thiết, nhưng việc trở thành thành viên của câu lạc bộ này thường rất tốn kém. Mặc dù Apple đã giới thiệu chương trình tự sửa chữa nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức để thực hiện.
Ngay cả khi luật Quyền sửa chữa đang dần thúc đẩy Apple cung cấp công cụ và thông tin cần thiết cho người tiêu dùng để tự sửa chữa sản phẩm của mình, hầu hết người dùng vẫn phải dựa vào các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền.
Trong thực tế, nhiều linh kiện của Apple yêu cầu phần mềm và công cụ chính thức để cài đặt và kích hoạt. Điều này có nghĩa là nếu người dùng thay thế linh kiện tại cửa hàng không được ủy quyền, chúng có thể không hoạt động đúng cách, dẫn đến cảnh báo và chi phí sửa chữa cao hơn.
MacBook là 'sản phẩm cao cấp'
Apple định vị sản phẩm của mình như một thương hiệu cao cấp và chính điều này được phản ánh trong giá cả sửa chữa. Người tiêu dùng thường phải trả giá cao hơn cho các linh kiện và dịch vụ sửa chữa vì Apple biết rằng khách hàng sẵn sàng chi trả cho chất lượng và thương hiệu.
Không chỉ có vậy, chi phí nhân công để thực hiện sửa chữa MacBook cũng phù hợp cho khách hàng cao cấp hơn là bình dân. Việc tháo rời và sửa chữa MacBook đòi hỏi kỹ năng và thời gian, điều này khiến cho giá cả dịch vụ sửa chữa cao hơn so với các dòng máy tính khác dễ sửa chữa hơn.
Nhìn chung, chi phí sửa chữa MacBook cao là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, từ thiết kế sản phẩm đến chiến lược thương hiệu của Apple. Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí sửa chữa và việc mua mới khi quyết định đầu tư vào một sản phẩm Apple. Hy vọng rằng trong tương lai, Apple sẽ cải thiện khả năng sửa chữa và giảm chi phí cho người dùng.