Chi phí lắp ráp iPhone đắt gấp 13 lần, chuyên gia lắc đầu: 'Apple thà chịu thuế 25% còn hơn đưa sản xuất về Mỹ'

Chi phí lắp ráp một chiếc iPhone tại Ấn Độ là khoảng 30 USD, trong khi sản xuất tương tự tại Mỹ có thể tốn đến 390 USD.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo là một chuyên gia nổi tiếng với nhiều dự đoán chính xác về chuỗi cung ứng của Apple. Mới đây, ông đã chia nhận định trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) sau khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục kêu gọi Apple đưa việc sản xuất iPhone về Mỹ. Trước đó, ông Trump đã đe dọa áp mức thuế 25% với tất cả iPhone không được lắp ráp trong nước.
“Xét về lợi nhuận, việc Apple chịu mức thuế 25% cho iPhone bán tại Mỹ vẫn tốt hơn nhiều so với việc chuyển dây chuyền lắp ráp về Mỹ”, ông Kuo viết.
Không riêng chuyên gia, theo báo cáo mới công bố của Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (GTRI), việc sản xuất iPhone tại Ấn Độ vẫn có lợi thế chi phí đáng kể so với sản xuất tại Hoa Kỳ, ngay cả trong trường hợp Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%.
Báo cáo phân tích chuỗi giá trị toàn cầu của một chiếc iPhone có giá bán lẻ khoảng 1.000 USD. Trong đó, Apple giữ lại phần lớn giá trị – khoảng 450 USD – nhờ thương hiệu, thiết kế và phần mềm. Các nhà cung cấp linh kiện từ Mỹ như Qualcomm và Broadcom đóng góp khoảng 80 USD, trong khi Đài Loan đóng góp 150 USD thông qua việc sản xuất chip. Hàn Quốc đảm nhiệm các linh kiện như màn hình OLED và bộ nhớ, trị giá khoảng 90 USD. Nhật Bản chủ yếu cung cấp hệ thống camera, với giá trị khoảng 85 USD. Các quốc gia khác như Đức, Việt Nam và Malaysia đóng góp khoảng 45 USD thông qua các bộ phận nhỏ hơn.
Ấn Độ và Trung Quốc, hai trung tâm lắp ráp chính của iPhone, chỉ chiếm khoảng 30 USD cho mỗi thiết bị – tương đương chưa đến 3% giá trị bán lẻ.
Theo GTRI, chênh lệch lớn về chi phí lao động là yếu tố quyết định giúp việc lắp ráp tại Ấn Độ vẫn có lợi thế, dù đối mặt với các biện pháp thương mại bảo hộ. Tại Ấn Độ, công nhân lắp ráp có mức lương trung bình khoảng 230 USD/tháng, trong khi tại bang California (Mỹ), con số này có thể lên tới 2.900 USD/tháng – gấp 13 lần do quy định về lương tối thiểu.
Ước tính, chi phí lắp ráp một chiếc iPhone tại Ấn Độ là khoảng 30 USD, trong khi sản xuất tương tự tại Mỹ có thể tốn đến 390 USD. Ngoài ra, Apple còn được hưởng chính sách ưu đãi liên kết sản xuất (PLI) từ chính phủ Ấn Độ, càng giúp giảm chi phí.
GTRI cảnh báo rằng nếu Apple buộc phải chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, lợi nhuận biên trên mỗi chiếc iPhone có thể giảm mạnh – từ mức hiện tại 450 USD xuống chỉ còn khoảng 60 USD, trừ khi công ty điều chỉnh tăng giá bán lẻ.
Báo cáo nhấn mạnh rằng chuỗi giá trị toàn cầu cùng với chênh lệch chi phí lao động tiếp tục khiến Ấn Độ trở thành điểm đến sản xuất hấp dẫn – ngay cả khi đối mặt với các rào cản thương mại tiềm tàng từ phía Hoa Kỳ.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: “Từ lâu tôi đã nói với Tim Cook rằng iPhone bán tại Mỹ cần phải được sản xuất tại Mỹ, không phải ở Ấn Độ hay nơi nào khác. Nếu không làm như vậy, Apple sẽ phải trả mức thuế ít nhất 25%. Xin cảm ơn vì đã chú ý đến vấn đề này!”.
Nếu mức thuế này được áp dụng, giá bán iPhone tại Mỹ có thể tăng mạnh. Theo công ty phân tích Wedbush Securities, nếu Apple chuyển việc sản xuất về Mỹ, giá một chiếc iPhone có thể lên đến 3.500 USD.
Hiện có khoảng hơn 120 triệu người dùng iPhone tại Mỹ. Mỗi năm, Apple bán hơn 60 triệu iPhone tại thị trường này. Vì vậy, dù phải chịu thuế 25%, chi phí vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng tại Mỹ.