Nhảy đến nội dung
 

Chi phí thật của tăng trưởng

Vừa bước ra khỏi ôtô để chuẩn bị vào khuôn viên nhà máy, tôi đã ngây ngất với thứ mùi vừa khét vừa hắc trùm lên không gian mờ mịt vì bụi khói.

Tôi nghĩ mình không thể sống nổi 30 phút ở đây mà thiếu mặt nạ bảo hộ.

Sau gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ thủ tục hải quan, tôi không còn lạ lẫm gì về thực trạng gia tăng rác thải rắn, rác thải công nghiệp - do quy trình nhập khẩu, sử dụng công nghệ lạc hậu của các doanh nghiệp lớn. Nhưng vào cái khoảnh khắc đứng "ngáp thở như cá" trước tòa nhà điều hành đó, tôi thấm thía hơn hết cái giá phải trả về môi trường để tăng trưởng kinh tế.

Cuộc bàn luận rộng rãi hiện nay về yêu cầu hạn chế xe máy chạy xăng trong vùng lõi Hà Nội là quan trọng và cần thiết, nhưng theo tôi đang phần nào làm lu mờ nội dung khái quát và tinh thần chủ đạo của Chỉ thị 20 về vấn đề môi trường.

Chỉ thị này đề ra chủ trương và hướng dẫn về khuôn khổ pháp lý và quản lý môi trường ở mức độ chặt chẽ hơn nhiều cho tất cả doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các ngành nghề nguy cơ gây ô nhiễm cao, sẽ chịu tác động đáng kể.

Nhiều năm qua, Việt Nam nổi lên như một điểm đến sản xuất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào nhiều lợi thế: vị trí địa lý chiến lược, tình hình chính trị - kinh tế ổn định, chi phí lao động thấp, chính sách thu hút FDI cởi mở... Tính đến tháng 6/2024, Việt Nam có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục tăng trưởng 14,5%, trong đó FDI chiếm 73%.

Nhưng mặt trái không khó nhận ra, một trong số đó là cái giá phải trả về môi trường. Từ các tập đoàn đa quốc gia trong ngành điện tử, dệt may, đến các chuỗi sản xuất tiêu dùng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tìm thấy ở Việt Nam một "nơi trú ẩn chi phí thấp", trong đó có những quy định tương đối lỏng lẻo về môi trường.

Nhiều địa phương ưu tiên tốc độ phát triển công nghiệp hơn là kiểm soát ô nhiễm. Ở không ít khu công nghiệp và làng nghề, tình trạng xả thải không xử lý, sử dụng lén lút nhiên liệu ô nhiễm cao vẫn còn phổ biến. Các hình thức xử phạt nhẹ tay, thiếu cơ chế giám sát độc lập, cùng áp lực giữ chân nhà đầu tư khiến nhiều nơi "làm ngơ" với các vi phạm môi trường.

Điều này tạo ra một lợi thế ngầm: Việt Nam trở thành điểm đến FDI hấp dẫn không chỉ vì lao động rẻ, mà vì chi phí môi trường rẻ - tức khả năng "ngoảnh mặt làm ngơ" với ô nhiễm, tạm thời đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Nhưng đây là công thức gây bất ổn dài hạn.

Số liệu tại tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi tháng 4/2023 cho thấy, chỉ 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 15% sử dụng công nghệ ở mức trung bình và 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu.

Khảo sát trước đó của Phòng nghiên cứu Chính sách PanNature cũng cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép 5-12 lần. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn.

Mô hình tăng trưởng dựa trên chi phí thấp - đặc biệt là chi phí môi trường thấp - đang dần đi đến giới hạn. Chỉ thị 20 yêu cầu các cấp chính quyền "quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường", siết chặt chế tài xử phạt và giao trách nhiệm cụ thể theo nguyên tắc "6 rõ". Đây không chỉ là một bước đi hành chính, mà là dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi trong cách Việt Nam định nghĩa về tăng trưởng.

Thông điệp chính của Chỉ thị 20: sức khỏe môi trường là giới hạn của tăng trưởng. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, nước sông ở các đô thị lớn, và các điểm nóng môi trường tại làng nghề hay khu công nghiệp... đã vượt ngưỡng chịu đựng. Nếu không có biện pháp mạnh tay, hậu quả về sức khỏe cộng đồng, niềm tin xã hội và năng lực cạnh tranh bền vững sẽ sụp đổ.

Chỉ thị này có các yêu cầu quan trọng:

Tăng cường chế tài, mở rộng thẩm quyền cưỡng chế, phạt nguội, cắt điện - nước, hạ mức xếp hạng tín dụng với cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; tăng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông và đối với nước thải hoặc giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.

Tăng đầu tư cho giám sát, quan trắc: thúc đẩy chia sẻ dữ liệu môi trường giữa các cơ quan chức năng. Danh sách các cơ sở phải lắp đặt, đã lắp đặt và chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động sẽ được công khai.

Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, cũng như việc nhập khẩu phương tiện, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Giao chỉ tiêu cụ thể: từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch với người chịu trách nhiệm rõ ràng; rà soát thể chế, xử lý các "điểm nghẽn" pháp luật - đặc biệt các quy định chồng chéo, thiếu tính răn đe.

Quan trọng hơn, chính quyền trung ương thể hiện rõ thái độ sẽ không dung thứ cho địa phương "mua rẻ" tăng trưởng bằng cách hy sinh môi trường.

Đối với cộng đồng đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng, thông điệp từ Chính phủ là rõ ràng: chi phí môi trường tại Việt Nam sẽ không còn thấp như trước.

Nhiều ngành sẽ đứng trước nguy cơ mất lợi thế so sánh: xi-măng, thép, giấy, dệt nhuộm, nhựa... vốn dựa phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch, sử dụng nhiều nước và có tỷ lệ phát thải cao. Các nhà đầu tư trong các lĩnh vực này sẽ phải điều chỉnh lại mô hình vận hành, nâng cấp công nghệ xử lý, và tính toán lại chi phí trung hạn nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Ngược lại, các doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hoặc có hệ thống tuân thủ ESG (Environmental - Social - Governance) nghiêm ngặt sẽ hưởng lợi với nguồn lực đất đai và cơ chế ưu đãi. Trong bối cảnh các thị trường lớn như EU và Mỹ đang siết quy định xuất xứ sản phẩm xanh, khả năng tuân thủ môi trường trở thành một lợi thế cạnh tranh - chứ không phải gánh nặng.

Đây là thời điểm Việt Nam cần tái định vị chính mình: không còn là thiên đường chi phí thấp. Mô hình "tăng trưởng bằng mọi giá" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng không thể là chiến lược dài hạn. Sự bền vững đòi hỏi Việt Nam phải đặt ra giới hạn - và môi trường là một trong những giới hạn đó.

Chỉ thị 20, nếu được thực thi nghiêm túc, có thể trở thành bước ngoặt trong chính sách thu hút FDI: chuyển từ thu hút bằng chi phí thấp sang thu hút bằng chất lượng hạ tầng, ổn định thể chế, và môi trường minh bạch.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình chiến lược. Khi các chi phí vô hình - như môi trường và sức khỏe cộng đồng - bắt đầu được định giá đúng, thì mô hình "FDI giá rẻ" sẽ phải nhường chỗ cho một mô hình "FDI có trách nhiệm".

Sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư sẽ không dễ mất đi nhưng sẽ thay đổi bản chất: không còn là nơi dễ dãi với chi phí bẩn, mà là nơi nghiêm khắc với tăng trưởng chất lượng cao.

Nguyễn Thanh Cảnh

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn