Chỉ mua thuốc cảm nhưng được kê 4 thực phẩm chức năng

Cuối tuần vừa rồi, do thời tiết giao mùa, tôi có dấu hiệu bị cảm cúm: hắt hơi, nhức đầu, sổ mũi, ho nhẹ. Không muốn để lâu nặng thêm nên tôi ra một hiệu thuốc khá lớn gần nhà để hỏi mua một liều thuốc cảm cúm để trị sớm. Sau khi kể chi tiết các triệu chứng bệnh của mình, tôi được người bán thuốc kê cho một đơn gồm sáu loại thuốc uống khác nhau, dùng trong năm ngày, tổng hóa đơn là hơn 550.000 đồng.
Bản thân không có chuyên môn về dược phẩm nên tôi hoàn toàn tin tưởng người bán, nhanh chóng thanh toán tiền và mang thuốc về uống. Về tới nhà, tôi mới lên Internet tra cứu chi tiết từng loại thuốc mà mình được kê để xem cụ thể công dụng của từng loại. Tới đây, tôi mới ngớ người khi biết, trong tổng số sáu loại thuốc mình vừa mua, có tới bốn loại không phải thuốc, mà chỉ là thực phẩm chức năng.
Vấn đề là số thực phẩm chức năng này lại chiếm phần lớn số tiền thuốc tôi phải trả. Tính ra, tôi bỏ ra tới hơn 450.000 đồng để mua thực phẩm chức năng, còn thuốc trị bệnh chỉ chưa tới 100.000 đồng. Tất nhiên, thực phẩm chức năng không phải là xấu, nó vẫn có tác dụng hỗ trợ cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể để chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
>> Nếu không có người tự đi kiểm định kẹo rau củ Kera
Cầm đơn thuốc trong tay, tất nhiên tôi vẫn uống hết vì dù sao cũng đã bỏ ra cả mớ tiền để mua nên chẳng dám bỏ phí, thế nhưng trong lòng vẫn có chút lấn cấn. Tôi có cảm giác như mình vừa bị lừa vậy. Rõ ràng, tôi đi mua thuốc trị bệnh, nhưng người ta lại bán cho 70% là thực phẩm chức năng. Lẽ ra, ngay từ đầu họ nói rõ cho tôi biết để cân nhắc lựa chọn có mua hay không thì tốt biết mấy.
Thực tế, việc kê thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là chuyện diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây, gây khó chịu cho người bệnh. Không phải ai cũng có đủ kiến thức y tế để phân biệt đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng? Hơn nữa, tâm lý chung của người bệnh là đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ, dược sĩ, nên được kê gì là mua nấy. Trong khi đó, giá thực phẩm chức năng thường cao gấp nhiều lần thuốc điều trị, việc bị lạm dụng kê lẫn vào thuốc khiến người bệnh phải trả một khoản tiền lớn, dù bản thân không biết đó là gì?
Mong rằng, các cơ quan quản lý sẽ sớm kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được gắn mác có tác dụng điều trị, phòng bệnh, cải thiện chức năng cơ thể. Bởi những hành vi này chính là lạm dụng kiến thức y học để lừa dối, trục lợi từ người bệnh.
Tiểu Vi