Chi bạc tỷ làm đề tài khoa học nhưng không dùng được

TPO - Qua thanh tra 4 đề tài khoa học và công nghệ với số vốn hơn 5,2 tỷ đồng tại tỉnh Phú Yên thì cả 4 đề tài đều không phát huy hiệu quả, thiếu tính thực tiễn.
Hơn 5,2 tỷ đồng để thực hiện 4 đề tài khoa học công nghệ
Ngày 22/5, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Phú Yên cho biết: Đơn vị vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh này, giai đoạn 2019-2024.
Các đề tài KH&CN được chọn để thanh tra, gồm: Đề tài xây dựng quy trình nhân giống nha đam (Aloe vera) bằng phương pháp nuôi cấy mô (đề tài cấp cơ sở), vốn thực hiện gần 200 triệu đồng, thực hiện từ năm 2021.
![]() |
Đề tài nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc tại Phú Yên. |
Đề tài ứng dụng chế phẩm vi sinh PYMIC xử lý bã thải nấm thành giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng trọt, vốn thực hiện khoảng 197 triệu đồng, thực hiện từ năm 2021. Hai đề tài này đều do Trung tâm KH&CN (thuộc Sở KH&CN Phú Yên) chủ trì.
Đề tài nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc (Carassius auratus) sạch - an toàn thực phẩm (đề tài cấp tỉnh), do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chủ trì, thực hiện từ năm 2019 - 2021 và được gia hạn đến tháng 9/2022, vốn thực hiện là 850 triệu đồng.
Đề tài ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cua lột theo chuỗi từ sản xuất giống, ương nuôi cua nguyên liệu đến sản xuất cua lột thương phẩm phục vụ xuất khẩu tại Phú Yên (đề tài cấp nhà nước), được thực hiện từ năm 2019, với số vốn gần 4 tỷ đồng.
Thiếu tính thực tiễn
Theo Thanh tra tỉnh Phú Yên, đề tài nhân giống nha đam bằng phương pháp nuôi cấy mô và đề tài ứng dụng chế phẩm vi sinh Pymic xử lý bã thải nấm đã được nghiệm thu, nhưng hiện việc ứng dụng kết quả vào thực tiễn đời sống, sản xuất của người dân còn hạn chế; chưa triển khai nhân rộng đến bà con nông dân. Ngoài ra, kết quả đề tài chỉ mới triển khai ứng dụng trong thực nghiệm, hiệu quả của đề tài chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cho bà con nông dân.
![]() |
Bàn giao cua giống thuộc dự án nuôi cua lột tại Phú Yên. Ảnh: Báo Phú Yên. |
Còn đề tài nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc sạch - an toàn thực phẩm, qua kiểm tra tại Trạm thực nghiệm nước ngọt - Trung tâm giống nông nghiệp đã không còn nuôi nữa. Mô hình nuôi cá diếc tại hai hộ dân ở thị xã Đông Hòa không nuôi được nữa, hộ còn lại ở huyện Tuy An vẫn còn nuôi nhưng con giống lại lấy từ tự nhiên để nuôi. Điều này cho thấy, hiệu quả ứng dụng kết quả của đề tài chưa nhiều, mang tính nhỏ lẻ; ứng dụng vào nuôi thực tế chưa cao và chưa phát huy hết hiệu quả ứng dụng của đề tài vào sản xuất của người dân.
Đối với đề tài sản xuất cua lột, đến nay hai mô hình thử nghiệm tại Công ty CP Bá Hải không còn nuôi cua nữa. Bảy mô hình thử nghiệm tại hộ nông dân đến nay chỉ thực hiện nuôi cua thịt mà không nuôi cua lột. “Thời điểm kiểm tra cho thấy giá trị kinh tế đem lại từ mô hình nuôi chưa hấp dẫn, thị trường xuất khẩu hạn chế nên chưa phát huy được kết quả, công nghệ chuyển giao cho người dân mặc dù tiềm năng của đối tượng nuôi lớn”, kết luận thanh tra nêu.
Giai đoạn 2019 - 2024, Sở KH&CN Phú Yên đã thực hiện 36 đề tài khoa học và công nghệ, trong đó có 7 đề tài cấp nhà nước, 21 đề tài cấp tỉnh và 8 đề tài cấp cơ sở.