Nhảy đến nội dung
 

Chạy đua thanh toán cho giao thông công cộng

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoạt động đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân khi đi học, đi làm. Các ngân hàng đang tung loạt ưu đãi để thu hút khách hàng mở thẻ và thanh toán không tiền mặt khi di chuyển bằng metro.

Sau 5 tháng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động, hành khách có đa dạng lựa chọn thanh toán không tiền mặt, như dùng thẻ NAPAS, thẻ MasterCard hoặc quét mã QR bằng tài khoản ví điện tử MoMo để thanh toán tại cổng soát vé.

Đi metro không tiền mặt

Nhiều ngân hàng đã tham gia cuộc đua phát hành thẻ thanh toán cho tuyến metro. Vikki Bank phối hợp với tổ chức thẻ quốc tế MasterCard phát hành thẻ VikkiGO. 

Người dùng có thể sử dụng thẻ VikkiGO để thanh toán vé tàu điện ngầm tại tất cả các ga thuộc tuyến metro số 1 bằng cách chạm thẻ vào thiết bị xác thực để qua cổng soát vé, rất nhanh chóng, tiện lợi.

Vikki Bank hiện là một trong những ngân hàng số kết nối hệ thống thanh toán bán vé tàu điện tự động với hệ thống thanh toán thẻ. Với thẻ trả trước VikkiGO, khách hàng chỉ cần nạp tiền và sử dụng, giúp tách bạch nguồn tiền và an toàn, bảo mật.

Giữa tháng 4, BIDV cũng ra mắt bộ đôi thẻ BIDV 68 tại ga metro Bến Thành, đồng thời miễn phí di chuyển không giới hạn số lượt tuyến Bến Thành - Suối Tiên, water bus sông Sài Gòn khi khách hàng sử dụng thẻ BIDV MasterCard để thanh toán không tiền mặt, áp dụng đến ngày 30-6.

Sacombank hợp tác cùng HURC1 và MasterCard triển khai hệ thống thanh toán vé tự động theo công nghệ Open-loop trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, giúp khách có thể chạm thẻ thanh toán không tiền mặt từ tất cả các ngân hàng và tổ chức thẻ.

Chị Lan Anh (làm việc tại Q.1, TP.HCM) cho hay từ khi có tuyến metro chị dễ dàng hẹn bạn uống cà phê ở TP Thủ Đức, trong khi trước đây rất ngại. 

"Trước nếu hẹn như vậy tôi mất hàng trăm ngàn tiền taxi đi về, chưa kể hay bị kẹt xe. Nay còn không mất tiền di chuyển vì tôi mở thẻ và được ngân hàng miễn phí đi metro trong ba tháng", chị nói.

Đi metro Hà Nội: mong không dùng tiền mặt

Chị L.T.N. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết mỗi lần đi metro Cát Linh - Hà Đông là chị mua vé lượt do không đi thường xuyên. Tuy nhiên, chị thấy hơi bất tiện là phải dùng tiền mặt để mua vé chứ chưa thể thanh toán bằng chuyển khoản.

"Metro Cát Linh - Hà Đông, máy bán vé tự động chỉ chấp nhận tờ tiền thanh toán mệnh giá 50.000 đồng thôi. Thêm nữa, thời gian mua vé trên máy mất khoảng 1 phút để thao tác gồm chọn điểm đến, đưa tiền vào máy, chờ máy chấp nhận tiền và trả lại tiền thừa cùng vé lên tàu", chị L.T.N. thông tin và mong Hà Nội sớm triển khai thanh toán không tiền mặt.

Sử dụng metro để đi làm hằng ngày, ông N.V.H. (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cũng mong mỏi Hà Nội sớm liên thông hệ thống thanh toán thẻ vé điện tử cho các phương tiện giao thông công cộng. Ông cho biết ông đi metro và xe buýt hằng ngày nên dùng thẻ vé tháng. 

Khi đi metro thì dùng thẻ vé metro, đi xe buýt thì dùng thẻ vé xe buýt dù đã sử dụng thẻ vé ảo trên điện thoại thông minh.

"Tôi thấy khá bất tiện vì phải giữ nhiều thẻ như căn cước công dân, thẻ ngân hàng, thẻ đi xe buýt, đi metro... Liệu tới đây người dân đi metro, buýt ở Hà Nội có thể dùng thẻ ngân hàng để thanh toán như ở Thượng Hải, Tokyo... được không? 

Hay tiến tới, hành khách đi metro mở điện thoại thông minh là mua vé?" - ông N.M.T. đặt câu hỏi vì giờ mớ rau, lạng thịt ở chợ người dân đã dùng điện thoại để quét mã QR, chỉ 1-2 giây là thanh toán xong.

Ngày 2-9, Hà Nội liên thông vé đi metro với xe buýt

Ông Đỗ Việt Hải, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội về cơ bản đã xây dựng xong các chính sách để phát triển hệ thống thẻ vé thông minh. 

Hệ thống thẻ vé liên thông sẽ bảo đảm tính kết nối không chỉ với các loại hình dịch vụ vận tải hành khách mà còn với dịch vụ thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe... Chính sách mang lại tiện ích mới góp phần khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng.

Cũng theo ông Hải, dự kiến hệ thống vé liên thông sẽ chính thức khai trương vào ngày 2-9 tới. Hệ thống không chỉ áp dụng cho các tuyến vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mà còn có khả năng mở rộng liên kết trên phạm vi toàn quốc. Trong tương lai, người dân có thể sử dụng căn cước công dân để đi lại - tương tự như một thẻ ngân hàng, hoặc thẻ mua bán thông thường.

Trong khung kỹ thuật hiện tại mà Hà Nội xây dựng, việc tích hợp với căn cước công dân hoặc VNeID là hoàn toàn khả thi. Sau khi xây dựng xong khung kỹ thuật, điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả là xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp theo khung giờ, mùa vụ và đối tượng hành khách. Mục tiêu cuối cùng là thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn