Chạy bộ 200km hưởng ứng chủ trương sáp nhập Đắk Lắk và Phú Yên về chung một nhà

Hơn 200 vận động viên đã chạy bộ từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến TP Tuy Hòa (Phú Yên), vượt hơn 200km để hưởng ứng chủ trương sáp nhập tỉnh.
Sáng 11-5, các vận động viên từ Đắk Lắk đã đến check-in, chào cờ tại quảng trường tháp Nghinh Phong (TP Tuy Hòa, Phú Yên) khi hoàn thành hơn 200km đường chạy nối liền hai tỉnh.
Với chủ đề “Chung nhịp chạy, cùng chí hướng”, chương trình chạy bộ kết nối Đắk Lắk - Phú Yên do Hội chạy bộ Đắk Lắk và câu lạc bộ Phú Yên Runners tổ chức.
Đặc biệt tham gia chương trình này có những tên tuổi trong làng chạy như Hoàng Văn Hơn, Tuấn Kiệt, Kim Anh, ngoài ra còn có nhà vô địch SEA Games 32 môn kick boxing Nguyễn Hoàng.
Các vận động viên chạy theo hình thức tiếp sức 11 chặng, với lộ trình dài 206km, xuất phát từ Tượng đài chiến thắng TP Buôn Ma Thuột và đích đến là tháp Nghinh Phong, TP Tuy Hòa.
Mỗi cung đường chạy là một cảm xúc
Ông Tô Viết Vinh - chủ tịch Hội chạy bộ Đắk Lắk, trưởng ban tổ chức chương trình - cho biết trong đoàn đa số là các vận động viên đã có kinh nghiệm nên mọi người luôn duy trì thể trạng, sức bền tốt.
Ngay khi hội lên ý tưởng, tuyến đường chạy rồi mở đăng ký đã được nhiều người hưởng ứng. Trong đoàn chạy lần này có vận động viên chạy được hơn 80km.
Việc chạy diễn ra theo hình thức tiếp sức, khi đến trạm vận động viên sẽ trao đồng hồ cho người sau tiếp tục chạy.
Ban tổ chức cũng chuẩn bị đội hậu cần gồm có xe máy dẫn đoàn và xe cứu thương chạy phía sau, bên cạnh đó là các xe bán tải, xe 29 chỗ để các vận động viên khi hoàn thành mỗi chặng chạy sẽ lên xe ngồi nghỉ ngơi.
"Xuyên suốt quá trình chạy không xảy ra sự cố và luôn được đảm bảo an toàn. Thời tiết Phú Yên và Đắk Lắk tuy nắng nhưng không quá gắt nên các vận động viên cũng dễ thích ứng", ông Vinh nói.
Với ông, chương trình chạy lần này không chỉ chào mừng việc 2 tỉnh về chung một nhà, còn là cơ hội để các runners ngắm cảnh, sự đổi thay của 2 tỉnh dọc đường chạy.
"Cung đường chạy quá đẹp như khi đến địa phận huyện Sông Hinh (Phú Yên) có những ngôi nhà sàn gỗ của người đồng bào rất tương đồng với văn hóa Đắk Lắk, chúng tôi còn thấy những cánh đồng lúa được gặt vào ban đêm", ông Vinh nói.
Còn anh Phạm Quốc Duy, vận động viên tham gia chạy, cho hay: "Đoạn cuối về đích nhìn từ xa là quảng trường tháp Nghinh Phong, gió biển thổi ngược lên mát rượi càng khiến chúng tôi rất hưng phấn.
Đặc biệt các thành viên trong đoàn rất ấn tượng và xúc động khi lúc chạy được người dân Phú Yên chạy ra 2 bên đường cổ vũ rất nhiệt tình".
Cầu nối gắn kết tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên
Chị Trần Thị Thanh Bình, thành viên trong đội hậu cần chương trình chạy, chia sẻ chị cùng với các thành viên khác được giao nhiệm vụ hỗ trợ y tế, tiếp sức cho các vận động viên trên suốt quãng chạy.
"Lúc đến nơi các thành viên ôm chầm lấy nhau vui mừng vì đã hoàn thành một chặng đường chạy rất dài suốt từ sáng sớm đến tối. Hơn hết chúng tôi cảm nhận được sự cởi mở, tình cảm của người dân hai tỉnh dành cho nhau. Tôi hy vọng ngày sáp nhập hai tỉnh sẽ phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết người dân lại với nhau", chị Bình chia sẻ
Chị Bình cũng cho hay sau khi chạy xong, cả đoàn tham quan một số điểm du lịch tại TP Tuy Hòa, ăn các món ăn địa phương và giao lưu với câu lạc bộ Phú Yên Runners. Chiều nay đoàn lên xe về lại Đắk Lắk.
Đặc biệt tham gia giải chạy còn có vận động viên Nguyễn Văn Lâm, người được biết đến là "dị nhân" với hành trình chạy bộ xuyên Việt xuất phát từ Hà Nội và đi qua 17 tỉnh, thành với tổng chiều dài 1.846km.
Dù đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, nhưng bằng tình cảm dành cho hai vùng đất anh đã tham gia vào chương trình chạy này.
"Tôi từng tham gia chạy ở nhiều nội dung, chỉ có hơi mất sức ở những đoạn lên xuống dốc liên tục khi qua huyện Sông Hinh, nhưng cũng dễ cân bằng. Với tôi chạy không chỉ là niềm đam mê mà còn là sứ mệnh lan tỏa tinh thần thể thao", anh Lâm nói.
Anh Lâm cũng đang ấp ủ dự định sắp tới sẽ lên kế hoạch chuyến chạy qua 3 nước Đông Dương, xuất phát từ TP.HCM qua thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) và Viêng Chăn (Lào) và điểm cuối là thủ đô Hà Nội.
Theo ông Tô Viết Vinh, giải chạy này còn có ý nghĩa thiết thực nhằm kết nối, giao lưu giữa những người yêu thích môn chạy bộ của hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên.