Chảo lửa xung đột Ấn Độ - Pakistan bùng phát

Giao tranh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan vào hôm qua đã trở thành cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa 2 nước láng giềng Nam Á trong gần 20 năm.
Ăn miếng trả miếng
Thế giới vào hôm qua đã chứng kiến thêm một căng thẳng quân sự khu vực, khi quân đội Ấn Độ và Pakistan tiến hành những đợt tấn công qua lại. Loạt không kích của New Delhi cùng những đợt bắn pháo đáp trả từ Islamabad đã khiến ít nhất 26 dân thường Pakistan và 8 người Ấn Độ thiệt mạng, AFP đưa tin.
Quân đội Ấn Độ vào rạng sáng 7.5 đã triển khai "Chiến dịch Sindoor", tấn công 9 mục tiêu tại Pakistan khu vực tranh chấp Kashmir do Islamabad kiểm soát, mà Ấn Độ cho là "hạ tầng khủng bố" và liên quan đến các nhóm vũ trang đứng sau vụ tấn công chết người tại Kashmir cách đây 2 tuần. Quân đội Ấn Độ tuyên bố "công lý đã được thực thi", đồng thời khẳng định hành động của họ "đã được cân nhắc kỹ lưỡng, có giới hạn và không mang tính leo thang".
Sau đợt giao tranh, chính phủ của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif thông báo đã ủy quyền cho quân đội nước này đưa ra hành động thích đáng nhằm đáp trả đợt tấn công từ Ấn Độ. "Những cuộc tấn công vô cớ này cố tình nhắm vào các khu vực dân sự, với cái cớ là xuất hiện các trại khủng bố tưởng tượng, khiến những người vô tội thiệt mạng và hạ tầng dân sự hư hại", Bộ Thông tin và Phát thanh Pakistan ra tuyên bố.
Giới chức Pakistan thông báo đã bắn rơi ít nhất 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ. New Delhi không phản hồi thông tin này, song một quan chức chính phủ Ấn Độ nói với tờ The Hindu rằng 3 máy bay đã rơi xuống vùng Kashmir. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan nhấn mạnh: "Cuộc trả đũa đã bắt đầu. Chúng tôi sẽ không mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề", theo AFP.
Lỗ hổng ở Kashmir ?
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tấn công của Ấn Độ hôm qua đến từ sự kiện ngày 22.4, khi nhóm vũ trang xuất hiện gần thị trấn Pahalgam và xả súng sát hại 26 người. Nhóm tay súng thuộc Mặt trận kháng chiến (TRF) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho các tay súng vũ trang tấn công dân thường, trong khi Islamabad bác bỏ mọi cáo buộc liên quan. Theo Al Jazeera, các nhóm vũ trang khu vực đã và đang đối đầu với New Delhi nhằm ủng hộ Kashmir ly khai khỏi Ấn Độ. Các nhóm này kể từ năm 2019 đã hạn chế tấn công dân thường và trong gần 5 năm qua, một số điểm tại Kashmir thu hút lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, vụ xả súng mới đây đã thay đổi bối cảnh ở khu vực này.
Theo bài phân tích của bà Ishaal Zehra, đến từ Viện nghiên cứu Lowy, có trụ sở tại Úc, vụ xả súng của TRF vào dân thường phần nào phơi bày những sai sót an ninh, khi địa điểm xảy ra vụ tấn công là khu vực được bố trí quân đội Ấn Độ và hệ thống giám sát nghiêm ngặt. New Delhi đã nhanh chóng cáo buộc Pakistan đứng sau vụ tấn công nhưng các bằng chứng bị cho là chưa đủ thuyết phục.
Trong khi đó, ông Mallikarjun Kharge, lãnh đạo đảng Quốc đại (INC) đối lập ở Ấn Độ, nói rằng chính phủ đương nhiệm đã thừa nhận sai sót trong tình báo. Ông nêu thêm Thủ tướng Modi đã nhận thông tin tình báo và hủy chuyến thăm vùng Jammu và Kashmir 3 ngày trước vụ xả súng hôm 22.4. Chính phủ Ấn Độ chưa bình luận thông tin này.
Nguy cơ leo thang
Căng thẳng quân sự Ấn Độ - Pakistan được các chuyên gia nhận định có nguy cơ leo thang khi Islamabad cho rằng New Delhi đã tấn công vô cớ. Ông Manoj Joshi, đến từ Observer Research Foundation, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Ấn Độ, nói với Bloomberg: "Sẽ có trả đũa từ Pakistan. Câu hỏi là phản ứng này có được tính toán kỹ lưỡng hay không. Nếu Pakistan tấn công cơ sở quân sự, Ấn Độ sẽ đáp trả và căng thẳng sẽ tiếp diễn".
Trong khi đó, Đài CNN đề cập một nhân vật có thể đóng vai trò định đoạt căng thẳng sẽ leo thang đến mức nào, đó là ông Syed Asim Munir, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan. Ông này từng lãnh đạo Cục tình báo quân đội Pakistan và có lập trường cứng rắn với Ấn Độ. Hiện quân đội Pakistan nhận nhiều ý kiến trái chiều rằng đã can thiệp sâu vào chính trị đất nước và ảnh hưởng của ông Munir bị đặt dấu hỏi. Theo nhà phân tích Malcolm Davis, từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, nếu Pakistan không trả đũa thì uy tín và ảnh hưởng của ông Munir sẽ bị suy giảm đáng kể.
Một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn có thể gây thương vong nghiêm trọng, xét đến lịch sử giữa Ấn Độ - Pakistan nhiều lần xung đột trong gần 80 năm qua. Cuộc chiến gần nhất giữa 2 bên vào năm 1999 đã khiến gần 1.000 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. Ngoài ra, giới quan sát cũng đánh giá sẽ có động thái kiềm chế, khi xét đến việc 2 nước được cho là đều sở hữu vũ khí hạt nhân.