Nhảy đến nội dung

Chánh án tối cao: 'Tỉnh mà giám đốc thẩm bản án của tỉnh sẽ không khách quan'

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND tỉnh được giám đốc thẩm, tái thẩm với chính bản án của mình, song Chánh án TAND tối cao cho rằng điều này sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Sáng 19.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Theo dự thảo, hệ thống tòa án bao gồm TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực (bỏ TAND cấp cao và TAND cấp huyện). Đồng thời sẽ lập 3 tòa án phúc thẩm thuộc TAND tối cao, đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Đề xuất TAND khu vực xét xử tất cả vụ án hình sự

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ tán thành với việc sửa đổi mô hình tổ chức ngành tòa án như dự thảo. Song, ông đề nghị phân cấp, phân quyền hơn nữa cho TAND khu vực.

Hiện nay, dự thảo quy định TAND khu vực có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ án dân sự, hành chính… và án hình sự với khung hình phạt 20 năm tù trở xuống, nếu trên 20 năm tù thì thẩm quyền thuộc TAND tỉnh.

Ông Hoàn đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND khu vực xét xử tất cả các vụ án hình sự. TAND tỉnh sẽ xét xử phúc thẩm tất cả các vụ án mà TAND khu vực đã xét xử sơ thẩm.

Như vậy, sẽ không cần thành lập 3 tòa án phúc thẩm như dự thảo nữa. Chưa kể, việc chỉ có 3 tòa án phúc thẩm đặt tại 3 tỉnh như dự thảo sẽ khiến người dân phải di chuyển rất xa, chưa đảm bảo mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn.

Ông Hoàn còn đề nghị giao thêm thẩm quyền cho TAND tỉnh được tái thẩm, giám đốc thẩm đối với chính bản án của mình. Đồng thời, TAND tỉnh có thể phân bổ thẩm phán TAND tỉnh xuống TAND khu vực nhằm đảm bảo chất lượng xét xử.

Quy định cứng độ tuổi sẽ bỏ sót nhân tài?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, thì đề nghị cân nhắc kỹ việc thành lập các tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ thuộc TAND khu vực.

Theo bà Nga, thực tiễn xét xử cho thấy các loại án này không lớn, thậm chí có địa phương cả năm không phát sinh vụ án nào. Quy định như dự thảo sẽ kéo theo việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử lại thấp.

Nữ đại biểu đề xuất bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa án kinh tế hoặc dân sự, để đảm nhiệm thụ lý các vụ án về phá sản hoặc sở hữu trí tuệ, thay vì thành lập tòa chuyên trách như đã nêu.

Bà Nga cũng băn khoăn quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao phải có độ tuổi từ 45 trở lên. Bà nói, độ tuổi không thể là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm của thẩm phán. Nhiều người dù trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, từng xét xử nhiều vụ án lớn.

Việc giới hạn độ tuổi có thể dẫn tới bỏ sót những người có năng lực, thay vào đó nên chú trọng đến năng lực chuyên môn, thời gian công tác, đạo đức nghề nghiệp… Nếu vẫn cần quy định độ tuổi, bà Nga đề xuất bổ sung thêm các trường hợp đặc biệt để đảm bảo sự linh hoạt.

"Tỉnh mà giám đốc thẩm bản án của tỉnh sẽ không khách quan"

Phản hồi ý kiến các đại biểu, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu có thể tổ chức mô hình tòa án theo 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm một cách tuyệt đối thì "quá tốt". Tuy nhiên, điều này phải đồng bộ với hệ thống cơ quan tố tụng khác, phù hợp với năng lực của cán bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Căn cứ điều kiện thực tiễn "chưa thể đáp ứng, yên tâm được", ông Trí nói dự thảo đã đẩy mạnh phân cấp xét xử cho TAND khu vực với tất cả án hành chính, dân sự…; riêng án hình sự thì chỉ xét xử với khung hình phạt từ 20 năm trở xuống.

Vì án hình sự có khung hình phạt trên 20 năm tù sẽ do TAND tỉnh xét xử sơ thẩm, do đó đương nhiên phải có các TAND phúc thẩm thuộc TAND tối cao, để đảm bảo nguyên tắc xét xử 2 cấp.

Trước đề nghị của đại biểu về việc TAND tỉnh tái thẩm, giám đốc thẩm với chính bản án của mình, ông Trí cho rằng, nếu phân quyền quá nhiều sẽ khó kiểm soát trong việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất trong xét xử, "tỉnh mà giám đốc thẩm bản án của tỉnh sẽ không khách quan".

Về việc thành lập tòa án chuyên trách phá sản và sở hữu trí tuệ, Chánh án TAND tối cao thừa nhận, với bối cảnh hiện nay, nhu cầu giải quyết các loại án này chưa phải là quá lớn.

Song, với xu hướng phát triển và hội nhập của đất nước, phá sản và sở hữu trí tuệ dần trở thành nhu cầu lớn, không thể thiếu của doanh nghiệp, đòi hỏi tính chuyên sâu. 

"Doanh nghiệp hay quan chức các nước có nhu cầu đầu tư lớn vào Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến tòa án phá sản và sở hữu trí tuệ, vào làm việc cái là họ hỏi ngay", ông Trí nói.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn