Chân dung tân Giáo hoàng Leo XIV

Tân Giáo hoàng Leo XIV sinh tại Chicago, trở thành người Mỹ đầu tiên trong lịch sử được bầu làm lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Chiều 8/5 tại Vatican, khói trắng bốc lên bên trên Nhà nguyện Sistine, báo hiệu Mật nghị Hồng y kết thúc sau hơn một ngày nhóm họp. Không lâu sau, một vị hồng y bước ra ban công Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với tuyên bố “Habemus Papam!” (“Chúng ta đã có Giáo hoàng”).
Tân giáo hoàng 69 tuổi, tên khai sinh Robert Francis Prevost, lấy tông hiệu Leo XIV. Ông là người Mỹ đầu tiên được bầu làm lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo.
Bước ra ban công trong tiếng reo hò của hàng vạn tín hữu, Giáo hoàng Leo XIV cất những lời đầu tiên trên cương vị giáo hoàng: “Bình an cho anh chị em”. Bài phát biểu ngắn của ông gửi đi thông điệp mong muốn một Giáo hội gắn kết, xây dựng cầu nối, và đồng hành với những người đau khổ.
![]() |
Robert Prevost là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ và không được nhiều người biết đến trên quy mô quốc tế. Ảnh: Reuters. |
Hành trình xuyên biên giới
Robert Francis Prevost sinh năm 1955 tại Chicago, Mỹ. Dù mang quốc tịch Mỹ, ông dành phần lớn cuộc đời sống và phục vụ ở nước ngoài, đặc biệt là tại Peru - nơi ông từng là nhà truyền giáo, linh mục giáo xứ, giảng viên thần học và sau này là giám mục. Ông cũng nhập quốc tịch Peru và trở thành một phần không thể tách rời của Giáo hội tại quốc gia Nam Mỹ này.
Thuộc dòng tu Augustinô, ông thụ phong linh mục năm 1982, lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas ở Rome, rồi gắn bó gần hai thập kỷ tại Peru. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustinô, đưa ông đến với các cộng đoàn dòng tu khắp thế giới.
Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, ông giữ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục - cơ quan quyền lực của Vatican phụ trách việc bổ nhiệm và giám sát các giám mục trên toàn cầu.
Theo New York Times, dù có xuất thân Mỹ, Giáo hoàng Leo XIV ít khi dùng tiếng Anh mà thường sử dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy. Điều này được thể hiện ngay trong bài phát biểu đầu tiên của ông tại Vatican.
Giống như Đức Francis, Giáo hoàng Leo XIV thể hiện cam kết với người nghèo, người di cư và trong cách hành xử gần gũi. Năm ngoái, ông nói với trang tin chính thức của Tòa thánh Vatican rằng “một giám mục không nên là tiểu vương chỉ biết ngồi trong vương quốc của mình”.
![]() |
Quang cảnh đám đông chờ đợi để chào đón tân Giáo hoàng. Ảnh: Reuters. |
Hé lộ triều đại mới
Dù còn quá sớm để khẳng định đường lối của thời kỳ mới, một số dấu hiệu phần nào hé lộ tương lai và quan điểm của tân Giáo hoàng, bắt đầu từ tông hiệu “Leo”.
Trong lịch sử, các Giáo hoàng lấy tông hiệu Leo thường được gắn với sự kiên định trong thời kỳ biến động. “Cái tên Leo không có gì bất ngờ - nó biểu thị một giáo hoàng mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng”, linh mục và blogger Công giáo Ed Tomlinson bình luận trên Independent.
Trong bài phát biểu đầu tiên, Giáo hoàng Leo XIV nhấn mạnh sự cần thiết của một Giáo hội “hiệp hành”, gần gũi với người đau khổ và biết “xây dựng những nhịp cầu”. Ông tri ân Đức Giáo hoàng Francis, nhắc đến giọng nói yếu ớt nhưng vẫn vang xa của ngài trong những ngày cuối cùng.
Trước khi mật nghị diễn ra, Giáo hoàng Leo XIV được đánh giá là lựa chọn “thỏa hiệp”. Ông từng ủng hộ lập trường của Đức Giáo hoàng Francis về việc cho phép người Công giáo đã ly hôn và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, ông chỉ thể hiện sự ủng hộ ở mức độ nhẹ đối với quyết định của Giáo hoàng Francis cho phép linh mục ban phép lành cho các cặp đôi đồng giới.
Dù có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm về sự gần gũi với người nghèo, Giáo hoàng Leo XIV có thể có phong cách điều hành kín đáo hơn. Một số phát ngôn của ông trong quá khứ cũng cho thấy quan điểm bảo thủ hơn trong các vấn đề như hôn nhân đồng giới và gia đình phi truyền thống.
Trong bài phỏng vấn năm 2012 với New York Times, ông từng bày tỏ lo ngại trước việc truyền thông phương Tây cổ vũ “lối sống đồng tính” và “mô hình gia đình thay thế”.
Theo các nhà phân tích, việc chọn Giáo hoàng Leo XIV cho thấy các hồng y muốn duy trì phần nào tính kế thừa từ Giáo hoàng Francis, đồng thời đặt kỳ vọng vào nhà lãnh đạo có kinh nghiệm quốc tế và khả năng hàn gắn khác biệt trong lòng Giáo hội.
“Tôi rất xúc động khi thông điệp đầu tiên của ngài là về hòa bình thế giới”, Rodrigo Pinto, đến từ Guatemala, nói với New York Times về bài phát biểu của Giáo hoàng Leo XIV. “Điều đó chạm đến trái tim tôi”.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.