Chấm dứt 14 năm bị cắt khỏi SWIFT, quốc gia bị Mỹ trừng phạt nay đứng trước bước ngoặt lịch sử: Cơ hội ‘hồi sinh’ khi trở lại hệ thống tài chính toàn cầu?

Syria đang từng bước chuẩn bị để tái gia nhập hệ thống SWIFT sau hơn một thập kỷ bị cô lập tài chính.
Chỉ để nhận vài trăm USD từ người thân ở nước ngoài, Mohammad Shaheen đã phải nhờ đến những đầu mối “mờ ám”. Đó là thực tế tại Syria trong hơn một thập kỷ qua. Xung đột, khủng hoảng kinh tế và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Syria bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có mạng lưới tin nhắn liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Các kênh chuyển tiền chính thức vì thế gần như tê liệt.
Trong bối cảnh đó, các mạng lưới chuyển tiền phi chính thức xuất hiện như một giải pháp cứu cánh, giúp người Syria ở nước ngoài tiếp tục gửi tiền về quê nhà.
Tuy nhiên, những giải pháp này cũng đi kèm rủi ro. Chính quyền Syria yêu cầu người dân phải chuyển tiền qua các kênh do nhà nước kiểm soát. Vì thế, việc sử dụng các dịch vụ chuyển tiền ngầm khiến nhiều người không khỏi lo lắng bị buộc tội.
Sau khi chính quyền Assad sụp đổ vào tháng 12, Syria bắt đầu tiến trình tái hội nhập hệ thống tài chính toàn cầu. Nước này đang chuẩn bị tái gia nhập SWIFT, mở ra cơ hội chấm dứt nhiều năm bị cô lập tài chính.
Tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Syria tuyên bố đã thực hiện thành công giao dịch nước ngoài đầu tiên thông qua hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ năm 2011. Ông cho biết sẽ còn nhiều giao dịch tương tự trong thời gian tới.
Đối với người dân, sự trở lại của SWIFT mang theo kỳ vọng về ổn định kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự minh bạch và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu của hệ thống ngân hàng Syria.
Vì sao SWIFT quan trọng?
SWIFT được thành lập năm 1973 tại Bỉ. Đây là một tổ chức hợp tác toàn cầu với hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia. Mạng lưới này cho phép các ngân hàng trao đổi thông tin tài chính một cách an toàn và chuẩn hóa, giúp hàng nghìn tỷ USD lưu chuyển khắp thế giới mỗi ngày.
SWIFT không trực tiếp chuyển tiền nhưng là xương sống của tài chính quốc tế. Việc loại trừ một nền kinh tế ra khỏi SWIFT cũng chính là hình thức cách ly kinh tế. Khi Syria bị loại khỏi hệ thống này hơn 10 năm trước, nước này gần như mất liên lạc với hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Sự cô lập này ảnh hưởng đến mọi tầng lớp kinh tế. Với người lao động như Mohammad, việc nhận vài trăm USD đã khó khăn, thì với các thương nhân hay nhà sản xuất, trở ngại thậm chí còn lớn hơn.
Ông Adnan Al-Hafi, thành viên Phòng Thương mại Damascus, cho biết hoạt động kinh doanh giai đoạn bị trừng phạt rất khó khăn. Việc chuyển ngoại tệ chỉ được phép thực hiện qua một số ít công ty do nhà nước kiểm soát. Các doanh nghiệp phải gửi vào số tiền nội tệ tương đương với giá trị lô hàng nhập khẩu. Thời gian xử lý đôi khi phải mất cả tháng.
Rủi ro và cơ hội tái thiết
Nhiều nhà đầu tư đã tìm cách giải quyết vấn đề. Một số xin cư trú ở UAE hoặc Ai Cập để thuận tiện giao dịch. Số khác nhờ đến các trung gian không chính thức tại các nước láng giềng.
Tuy nhiên, những phương án này tiềm ẩn "rủi ro nghiêm trọng". Các kênh chuyển tiền không chính thức thường thiếu uy tín, dẫn đến mất tiền. Và việc chuyển tiền qua các kênh ngoài luồng bị coi là tội hình sự.
Sau 14 năm đối mặt với khó khăn về tài chính, giới doanh nhân tại Syria giờ đây bắt đầu hy vọng về một hệ thống chuyển tiền an toàn, minh bạch hơn khi Syria tái gia nhập SWIFT.
Ông Fawaz Al-Aqqad, một thành viên khác của Phòng Thương mại Damascus, cho biết các nhà xuất khẩu sẽ nhận tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng trong nước. Nhà nhập khẩu có thể chuyển khoản từ ngân hàng Syria đến nhà cung cấp nước ngoài mà không phải qua trung gian.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đang dần sang một trang mới. Điều này sẽ giúp giảm chi phí, xóa bỏ nỗi lo và bình thường hoá hoạt động thương mại tại Syria".
Hệ thống ngân hàng Syria liệu có đủ sẵn sàng?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng hệ thống ngân hàng Syria đã sẵn sàng. Chuyên gia tài chính Ali Mohammad cảnh báo rằng việc tái kết nối với SWIFT không đơn giản như bật công tắc.
Ông nói rằng các ngân hàng Syria cần hạ tầng vững chắc, bao gồm điện không gián đoạn, internet ổn định và nhân lực được đào tạo để tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Quan trọng hơn, ông Ali nhấn mạnh rằng các ngân hàng Syria phải đáp ứng nghĩa vụ về minh bạch và chống rửa tiền theo yêu cầu của SWIFT, bao gồm cả quy định chống tài trợ khủng bố.
"Dù các ngân hàng tuyên bố tuân thủ quy định, việc lấy lại niềm tin từ quốc tế sẽ là một hành trình dài", ông nói.
Chuyên gia kinh tế và giảng viên đại học Ziad Arbash chia sẻ với tờ The New Arab: "Việc tái gia nhập SWIFT không chỉ là thủ tục kỹ thuật về mã ngân hàng. Đây là một phép thử về minh bạch”.
Ông thừa nhận hệ thống ngân hàng Syria vẫn còn lỗi thời, dù đã có kế hoạch nâng cấp. Ông đề xuất hướng đi nhanh nhất là "áp dụng hệ thống ngân hàng có sẵn từ châu Âu hoặc các nước khác".
Ông kỳ vọng giao dịch với các ngân hàng Mỹ sẽ được nối lại trong vài tuần tới, sau cuộc gặp cấp cao giữa các ngân hàng thương mại Syria và Mỹ.
Vị chuyên gia cũng dự đoán việc khôi phục hoàn toàn kết nối của Syria với SWIFT có thể diễn ra vào cuối tháng 8. Cột mốc này sẽ đánh dấu "sự thay đổi lịch sử khỏi thời kỳ cô lập tài chính".
Ông nói thêm: "Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống tài chính Syria có đáp ứng được tiêu chuẩn cao của cộng đồng tài chính toàn cầu hay không".
"Dẫu sao, sau hơn một thập kỷ, đất nước này cuối cùng đang dần bước ra ánh sáng", ông nói.
Tổng hợp