CEO, tỷ phú trả giá đắt khi bị vạch trần ngoại tình với nhân viên

Tối 16/7, tại sân vận động Gillette ở Massachusetts (Mỹ), kiss cam bất ngờ lia đến một cặp đôi đang ôm nhau tình tứ giữa đám đông. Dù hai người cuống quýt trốn khỏi màn hình lớn, dân mạng nhanh chóng tìm ra danh tính của họ là Andy Byron, CEO công ty công nghệ Astronomer, và Kristin Cabot, Trưởng bộ phận nhân sự của công ty. Cả hai bị nghi đang ngoại tình vì đều đã có gia đình.
Hashtag #AstronomerCEO và #KissCamScandal lan trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Chưa đầy 48 tiếng sau, Astronomer phát thông báo xác nhận đã mở cuộc điều tra nội bộ. Ông Byron và bà Cabot tạm nghỉ việc trong lúc chờ kết luận chính thức.
Việc cả hai đều là lãnh đạo cấp cao trong cùng một doanh nghiệp khiến dư luận đi từ sốc đến phẫn nộ khi chính họ đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Khi CEO "phản bội" văn hóa công ty
Bê bối của CEO và giám đốc nhân sự Astronomer gợi nhớ đến nhiều lùm xùm tương tự trong giới doanh nhân thế giới. Không ít CEO, tỷ phú từng trả giá đắt vì những mối quan hệ tình cảm không đúng mực ở nơi làm việc.
Cuối năm 2024, tỷ phú Richard White, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty phần mềm logistics WiseTech Global (Australia), bị cáo buộc có mối quan hệ không minh bạch với nữ nhân viên tên Linda Rogan. Theo điều tra nội bộ, dưới quyền lực và ảnh hưởng tài chính của White, Rogan nhận được nhiều đặc quyền như nhà ở, cơ hội đầu tư, thăng tiến không theo quy trình thông thường.
Vụ việc bị phanh phui khiến cổ đông tức giận, loạt lãnh đạo cấp cao lần lượt từ chức, cổ phiếu công ty lao dốc hơn 25%. Richard White buộc phải rút khỏi vị trí CEO, lui về giữ vai trò Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc đổi mới sáng tạo, với mức lương chỉ còn 1 triệu AUD/năm (hơn 650.000 USD), theo The Guardian. Richard White chụp ảnh cùng vợ Zena Nasser. Ảnh: Facebook. Năm 2018, Brian Krzanich - CEO Intel - cũng phải từ chức sau khi bị phát hiện từng có quan hệ tình cảm với nhân viên dưới quyền, vi phạm chính sách đạo đức nghiêm ngặt của công ty, dù mối quan hệ đã kết thúc trước khi ông lên chức. Intel mất 2,4% giá trị cổ phiếu. Krzanich cũng mất trắng quyền nhận thưởng và quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng triệu USD. Theo một nguồn tin của Reuters, không có bất kỳ khoản chi trả bổ sung nào khi ông rời công ty.Năm 2003, giữa khủng hoảng, tập đoàn hàng không Boeing mời ông Harry C. Stonecipher - lãnh đạo kỳ cựu nổi tiếng liêm chính - trở lại làm CEO. Chỉ sau một năm, ông giúp công ty phục hồi mạnh mẽ về tài chính và danh tiếng.Tuy nhiên, tháng 3/2005, Stonecipher buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện có quan hệ tình cảm với một nữ giám đốc cấp dưới. Dù được cho là "tự nguyện", mối quan hệ vẫn vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn đạo đức do chính ông đặt ra.Stonecipher cũng ly hôn người vợ hơn 50 năm gắn bó từ quyết định sai lầm nơi công sở, theo Reuters. Hậu quả khó lường Vụ việc tại Astronomer gây chú ý đặc biệt bởi Kristin Cabot là Trưởng bộ phận nhân sự - người chịu trách nhiệm giám sát chính sách đạo đức và quan hệ tại nơi làm việc. “Thật kinh khủng khi bà ấy là người đứng đầu bộ phận nhân sự! Bà ấy đang ngoại tình với CEO. Đó có thể xem là sai lầm nghề nghiệp nghiêm trọng nhất mà một người làm nhân sự có thể mắc phải”, luật sư lao động William Cafaro bình luận với NY Post. Giới chuyên gia cho rằng nếu cuộc điều tra xác định mối quan hệ giữa Byron và Cabot vi phạm quy định nội bộ, cả hai có thể bị sa thải. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng với nam CEO sẽ phụ thuộc vào hội đồng quản trị. Riêng bà Cabot, khả năng bị chấm dứt hợp đồng gần như là chắc chắn. “Không thể có chuyện trưởng bộ phận nhân sự, người đang yêu đương với sếp, lại đưa ra kỷ luật với nhân viên khác. Điều đó thật nực cười”, ông Cafaro nói thêm. Theo luật sư Helen Rella, tình huống càng phức tạp nếu đi xem concert Coldplay là hoạt động do công ty tổ chức, bởi khi đó sự việc có thể liên quan đến quy định lao động tại bang Massachusetts. Các công ty lớn ngày càng siết chặt hơn với những mối quan hệ tình cảm nơi công sở. Ảnh: Wall Street Journal. Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Johnny C. Taylor Jr., CEO Hiệp hội Quản trị Nguồn nhân lực Mỹ (SHRM), nhận định: "Khi lãnh đạo cấp cao hẹn hò với cấp dưới, điều đó không chỉ gây rủi ro về mặt pháp lý mà còn làm xói mòn lòng tin nội bộ. Hội đồng quản trị đang gửi đi thông điệp rõ ràng: 'Chúng tôi trả anh đủ tiền để anh có thể tìm người yêu ở nơi khác'". Ông cho biết nhiều công ty hiện nay áp dụng chính sách “zero tolerance” (tạm dịch: không khoan nhượng), với các mối quan hệ tình cảm giữa lãnh đạo và nhân viên, bởi ngoài nguy cơ kiện tụng, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa doanh nghiệp. Luật pháp Mỹ không cấm hoàn toàn các mối quan hệ tình cảm nơi công sở, nhưng đặt ra giới hạn nghiêm ngặt nếu các mối quan hệ đó dẫn đến phân biệt đối xử hoặc tạo môi trường làm việc không công bằng. Theo hướng dẫn của Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng Mỹ (EEOC), nếu hành vi ưu ái này diễn ra rộng khắp hoặc gây cảm giác rằng “quan hệ tình dục là con đường để thăng tiến”, nó có thể tạo ra môi trường làm việc thù địch, từ đó vi phạm luật lao động liên bang. Trong một bài viết của Reuters, giới quan sát cho rằng các tập đoàn lớn ngày càng siết chặt hơn với những mối quan hệ tình cảm nơi công sở, nhất là khi lãnh đạo dính líu. Theo khảo sát của TheLadders.com, 43% trong số 734 giám đốc điều hành được hỏi từng có quan hệ tình cảm với đồng nghiệp và một nửa trong số đó đã có gia đình. Quan hệ độc hại 'núp bóng' tình yêu
Nhiều người khăng khăng họ làm điều gì đó vì "muốn tốt cho bạn", nhưng lại đòi hỏi bạn phải thỏa mãn yêu cầu của họ. Đó là tình yêu "cấp thấp", tồn tại ở nhiều loại quan hệ như bạn bè, người yêu, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Nếu chấp nhận, bạn sẽ bị ràng buộc bởi sự hẹp hòi của đối phương, mất đi sự tự do, luôn chìm đắm trong muộn phiền, u sầu.