CEO Nvidia Jensen Huang: "Nếu là sinh viên, tôi sẽ dùng AI để học tốt"

(Dân trí) - Ông Jensen Huang - Tổng giám đốc điều hành Nvidia - cho biết nếu là sinh viên ở thời điểm này, ông sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) triệt để, nhằm học tập tốt và khởi nghiệp thành công.
"Nếu đang là sinh viên ở thời điểm này, điều đầu tiên tôi sẽ làm là học về AI. Học cách tương tác với AI đòi hỏi bạn phải biết cách đặt câu hỏi thông minh. Việc đưa ra yêu cầu cho AI thực hiện không thể làm bừa.
Để AI thực sự trở thành trợ lý của bạn, bạn cần có kỹ năng và cả sự tinh tế trong cách tạo câu lệnh", ông Jensen Huang nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Theo ông Huang, đặt câu hỏi hay tạo câu lệnh cho AI thực hiện nhiệm vụ cũng giống như giao tiếp với một người thông minh. Nếu bạn đưa ra một yêu cầu mơ hồ, câu trả lời cũng sẽ chung chung. Nhưng nếu biết cách hỏi "trúng đích", AI sẽ dễ dàng đưa ra những phản hồi sát với nhu cầu.
Đối với ông Huang, AI là một người bạn thông minh, luôn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng lại không biết nhiều về công việc hay bối cảnh sống của ta. Nhiệm vụ của chúng ta là cung cấp đầy đủ thông tin để AI hiểu và làm đúng theo kỳ vọng của mình.
Những chia sẻ của ông Huang được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ người trẻ sử dụng AI thường xuyên thực tế vẫn còn khá thấp.
Theo báo cáo trong năm 2024 của Trường Đào tạo Sau đại học, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), hiện chỉ có khoảng 11% người Mỹ trong độ tuổi 14-22 sử dụng AI 1-2 lần mỗi tuần.
Giới chuyên gia dự báo, đến năm 2030, có tới 70% kỹ năng trong hầu hết các loại hình công việc sẽ phải thay đổi vì tác động của AI. Vì vậy, ông Huang nhấn mạnh việc rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi cho AI, cách tạo câu lệnh để giao việc cho AI, là những điều sinh viên nên chú trọng tìm hiểu ngay từ bây giờ, bất kể lĩnh vực học tập hay ngành nghề mà họ sẽ theo đuổi trong tương lai.
"Nếu tôi là sinh viên, dù đang theo học ngành nào, tôi cũng sẽ luôn tự hỏi: Làm thế nào để sử dụng AI giúp tôi học tập, làm việc, sinh sống hiệu quả hơn? Hãy dùng AI làm gia sư để tự học. Đây là công cụ miễn phí, có thể dạy bạn mọi thứ bạn muốn học.
Nếu chỉ có thể khuyên một điều, thì lời khuyên của tôi là, các bạn trẻ hãy lập tức kết nối với gia sư AI để học những gì các bạn muốn, từ viết lách, lập trình, đến phân tích, tư duy đến phản biện", ông Jensen Huang nhấn mạnh.
Ông Huang cho biết bản thân ông coi AI là một gia sư luôn bên mình. Nvidia - tập đoàn do ông Jensen Huang sáng lập - đang là công ty sản xuất chip dẫn đầu trong làn sóng AI trên toàn cầu.
Ông Huang cho biết hiện tại ông dùng AI mỗi ngày để tìm hiểu nhiều chủ đề khác nhau, nhằm gia tăng kiến thức ở những lĩnh vực mong muốn.
Tuy nhiên, ông Huang cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng AI vẫn có hạn chế. AI hiện vẫn có thể đưa ra thông tin sai lệch, vì vậy mỗi người chỉ nên dùng AI như công cụ hỗ trợ và cần kiểm tra lại, không nên tin tưởng tuyệt đối vào thông tin AI đưa ra.
Ông Huang cho biết, bản thân ông cũng chỉ dùng AI để tìm kiếm thông tin ban đầu, hình thành những bản nháp ý tưởng đầu tiên, sau đó ông vẫn tự đào sâu, tìm hiểu thêm, tự hoàn thiện các phần việc.
Ông Huang tin rằng AI sẽ giúp con người học nhanh hơn và dễ dàng hơn trong hầu hết các lĩnh vực. "Trong thập kỷ tới, trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới mức siêu phàm ở nhiều lĩnh vực. Chúng ta sẽ trở thành siêu nhân, không phải vì có siêu năng lực, mà vì có AI siêu phàm hỗ trợ", ông Huang nói.
Vị tỷ phú cho rằng AI không làm giảm giá trị người lao động, trái lại, AI tăng cường năng lực và sự tự tin. "Các bạn có AI rất giỏi hỗ trợ, các bạn cũng sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn, tự tin hơn", ông Huang nói.
Dẫu vậy, AI vẫn đang là "con dao hai lưỡi" trong cách nhìn nhận của số đông. Theo khảo sát của công ty phân tích Gallup (Mỹ) trong năm 2024, khoảng 75% người Mỹ lo ngại AI sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động.
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn phương pháp quản lý McKinsey (Mỹ) trong năm 2023, AI có thể thực hiện khoảng một nửa phần việc của con người kể từ năm 2030.
Trong cuốn sách The Coming Wave (2023), Tổng giám đốc điều hành phụ trách phát triển AI của tập đoàn Microsoft - ông Mustafa Suleyman - cũng cảnh báo AI chỉ giúp con người học hỏi nhanh và làm việc hiệu quả hơn trong ngắn hạn. Về lâu dài, AI vẫn sẽ thay thế lao động phổ thông, buộc hàng trăm triệu người phải học lại kỹ năng lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.