Cầu đường vừa khánh thành đã sụt 'nuốt' ô tô: Người gặp nạn có được bồi thường?

Cầu Hòa Bình (Tây Ninh) mới khánh thành, đưa vào sử dụng hơn một tháng đã sụt lún làm ô tô, xe máy rơi xuống hố khiến 6 người phải đi cấp cứu.
Rút ngắn thời gian nhưng chất lượng phải đảm bảo
Sự việc sụt lún tại đường dẫn lên cầu Hòa Bình (Tây Ninh) xảy ra vào sáng 11/5. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh nguyên nhân ban đầu dự đoán là do “túi bùn cục bộ dưới nền đường đầu cầu bị trượt, gây sụt lún nền và mặt đường”.
Nguyên nhân gì khiến công trình “đẻ non” dẫn đến sự cố như dột ở nhà ga T3 hay mới đây nhất là sụt lún đường dẫn lên cầu Hòa Bình (Tây Ninh)?
Trao đổi với VietNamNet vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải cho rằng, tiến độ công trình rất quan trọng.
“Nguyên tắc tối thượng của bất kỳ công trình nào đều phải đảm bảo chất lượng. Còn việc rút ngắn thời gian, rút ngắn chi phí… là tốt nhưng tất cả các yếu tố “rút ngắn” ấy phải không được ảnh hưởng đến chất lượng. Giống như việc mua một sản phẩm rẻ mà không dùng được thì mua làm gì? Tất cả mọi thứ phải xoay quanh chất lượng”, PGS. TS Hồng Thái nói.
Ví việc triển khai một dự án giống như bà bầu mang thai 9 tháng 10 ngày, nếu “đẻ” muộn quá cũng không tốt nhưng “sớm quá” thành đẻ non… “đâu hẳn đã là tốt”.
“Các công trình dù có thể giảm chi phí, rút ngắn thời gian nhưng nguyên tắc chất lượng phải đảm bảo và đúng quy trình. Vì thế, theo tôi muốn đưa công trình khánh thành vào đúng thời điểm nào đó thì phải tính trước thời điểm khởi công”, PGS. TS Hồng Thái nói.
Trường hợp sụt lún cầu Hòa Bình, GS. Trần Đức Nhiệm, nguyên Trưởng khoa Công trình, ĐH Giao thông vận tải cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố.
“Có thể là do lỗi trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư, thi công công trình nhưng cũng có thể do rủi ro mà đôi khi phải chấp nhận.
Giống như sự cố từng xảy ra tại Km83 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tại đây cũng từng nứt hẳn nửa đường. May mà phát hiện, đặt cảnh báo kịp thời nên không xảy ra những vụ tai nạn giống như ở Tây Ninh. Sau đó, công an vào cuộc và xác định không ai có lỗi.
Theo quy định, khoảng cách giữa 2 lỗ khoan thăm dò địa chất là 500m. Nhưng giữa 2 mũi khoan cách nhau 500m có túi bùn mà không ai phát hiện ra. Đây là những rủi do không tránh khỏi.
Còn sự cố ở Tây Ninh, nhiều khả năng do lỗi của đơn vị tư vấn địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư (do khảo sát địa chất chưa đạt mật độ)”, GS Trần Đức Nhiệm nói.
Ai bồi thường thiệt hại cho người tham gia giao thông gặp nạn?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy chất lượng công trình không đảm bảo an toàn, đã gây ra những thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho người khác.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ chất lượng công trình và những hậu quả đã gây ra để xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khâu khảo sát, lập dự án và tổ chức triển khai thực hiện dự án đường dẫn của cây cầu này như thế nào? có đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, thiết kế, thi công theo đúng quy định của pháp luật hay không?.
“Nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào thì sẽ xem xét xử lý ở khâu đó. Về nguyên tắc thì trước khi thi công, công trình này đã được thăm dò, đánh giá về điều kiện địa chất, có thiết kế phù hợp. Tuy nhiên sự việc sụt lún nghiêm trọng như vậy mà đơn vị thiết kế không tính toán được thì đây là tình huống rất nguy hiểm.
Cơ quan chức năng sẽ xác định sai sót ở khâu nào, khảo sát, thiết kế hay khâu thi công để xem xét trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan. Những thiệt hại do công trình phải gia cố, thi công lại sẽ do đơn vị thi công hoặc tổ chức cá nhân có lỗi gây ra phải bồi thường.
Nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong khảo sát, thiết kế, thi công công trình thì tùy vào tính chất mức độ sẽ có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Đối với những thiệt hại về người và tài sản mà người tham gia giao thông bị rơi xuống hố, luật sư Cường cho rằng đơn vị thi công hoặc cơ quan tổ chức có lỗi trong việc đưa công trình vào khai thác có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Bồi thường ở đây bao gồm thiệt hại về tài sản và thiệt hại về sức khỏe, việc bồi thường thiệt hại dân sự không loại trừ trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.