Nhảy đến nội dung
 

Câu chuyện sinh viên Hà Nội, Hannah Hà Nội trong '50 năm đất nước trọn niềm vui'

Trong '50 năm đất nước trọn niềm vui', có câu chuyện sinh viên Hà Nội ra trận, có cả tiếng nói địch vận của Hannah Hà Nội với lính Mỹ…

Mãi mãi tuổi 20 để 50 năm đất nước trọn niềm vui

Những dòng nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của người sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội Nguyễn Văn Thạc đã được đọc lại trong 50 năm đất nước trọn niềm vui, chương trình chính luận nghệ thuật của Đài PT-TH Hà Nội tối 30.4 tại Hoàng thành Thăng Long.

Người sinh viên ấy viết về ngày lịch sử 6.9.1971: "Ba ngàn sinh viên thủ đô xuất quân trong ngày Hà Nội mưa trắng trời. Cùng bạn bè đứng dưới sân trường, bài Quốc ca từng đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc quá đỗi thân thuộc, nhưng chỉ khi ấy ta mới cảm nhận rõ rệt và thấm thía nhất, đó là máu của chính mình…".

Trong 50 năm đất nước trọn niềm vui, vì thế, có bài hát về những chia cắt Bắc - Nam để bao lớp sinh viên lên đường ra trận, mang theo sách vở và ước mơ thống nhất sẽ quay lại giảng đường. Những chặng đường ra trận đó, nhiều sinh viên Hà Nội mang theo chất hào hoa bên cạnh lòng dũng cảm.

Cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh, một trong những sinh viên ĐH Tổng hợp ra trận ngày ấy, chia sẻ trong 50 năm đất nước trọn niềm vui: "Chúng tôi những năm 71, 72 của thế kỷ trước đều viết đơn tình nguyện. Sinh viên nam viết đơn tình nguyện, tăng cường cho các mặt trận phía nam. Tôi là 1 trong 1 vạn sinh viên của 33 trường đại học, cao đẳng toàn miền Bắc những năm ấy, lên đường. Có thể nói rằng chúng tôi đã vào trận với tinh thần của những người chiến sĩ Hà Nội".

Sau này, ông Phùng Huy Thịnh trở thành một nhà báo chiến trường. Ông cũng có mặt tại Dinh Độc Lập trong ngày thống nhất.

Tiếng nói địch vận Hannah

50 năm đất nước trọn niềm vui cũng có một phóng sự về một phát thanh viên vẫn được nhiều người lính Mỹ gọi là Hannah Hà Nội. Bà thường bắt đầu các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam bằng câu "Xin chào những người lính Mỹ vô danh, tôi là Thu Hương đang nói chuyện với các bạn trên chiến trường Việt Nam…". Những buổi phát thanh này thường bắt đầu vào mỗi đêm, sau một ngày dài khi chiến sự diễn ra ác liệt trên các mặt trận.

Hannah Hà Nội cũng nói: "Chào mừng các bạn đã đến Việt Nam, chỉ tiếc là tất cả các bạn đang đi vào… chỗ chết. Lẽ ra các bạn không nên ở đây mà phải ngồi ở nhà, bên người yêu của mình, ăn bánh hamburger và uống sữa".

Những người lính Mỹ nghe Hannah nói, rồi được cảm hóa dù chưa từng gặp mặt. Họ dần dần nhận ra rằng việc mình tới Việt Nam chiến đấu thật vô lý, và với những người lính Mỹ gốc Phi đó là sự phân biệt chủng tộc ngay trong lòng nước Mỹ. Bà nói: "Tại sao những người da đen nghèo lại bị đẩy ra mặt trận làm bia đỡ đạn, còn những kẻ giàu có thì vẫn ung dung ở nhà. Chẳng phải mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng hay sao?".

Cũng trong phóng sự của 50 năm đất nước trọn niềm vui, ông Eddie John, cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, nói: "Hà Nội Hannah vận động chúng tôi đấu tranh chống lại tệ phân biệt chủng tộc ở ngay chính nước Mỹ, thay vì chiến đấu trong vô vọng tại Việt Nam, bởi người Việt cũng đang đấu tranh cho tự do như chúng tôi".

Hannah Hà Nội là bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong phóng sự của Đất nước trọn niềm vui, người xem được nghe bà tâm sự: "Rõ ràng là tôi muốn lính Mỹ phản chiến! Tất nhiên, điều đó không dễ dàng chút nào cả vì họ được chính phủ Mỹ điều tới Việt Nam. Nhưng công việc của tôi là khiến đối phương nhận ra rằng, họ đang tham gia vào một cuộc chiến phi nghĩa chống lại người Việt Nam. Chúng tôi chỉ muốn đất nước mình được tự do, vì thế tốt hơn hết là lính Mỹ không nên có mặt ở đây"…

Câu chuyện từ Hoàng thành Thăng Long

50 năm đất nước trọn niềm vui có nhiều câu chuyện từ Hà Nội khi nhắc tới những liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Chương trình cũng có câu chuyện của ông Phùng Huy Thịnh, của Hà Nội Hannah… Những câu chuyện thật đó được đặt trên nền của nhiều bài hát, do những nghệ sĩ tài năng biểu diễn. Họ cũng biểu diễn trong một tối mưa, tại Đoan Môn - không gian được hoạch định cho các hoạt động cộng đồng của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Vì thế, khi giọng ca phi giới tính Trần Tùng Anh hát cả bằng giọng nam và nữ tác phẩm Xa khơi, người nghe cảm nhận được sự chia cắt ở hai bên bờ sông Bến Hải. Tác phẩm này được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hoàn thành năm 1962, sau chuyến đi thực tế ở vùng giới tuyến Quảng Trị trước đó 3 năm.

Cũng trong 50 năm đất nước trọn niềm vui, diva Mỹ Linh mang tới Bài ca hy vọng, giảng viên thanh nhạc Lan Anh hát Lời ca dâng Bác, Khánh Linh và Đinh Quang Đạt cùng hát Lá thư viết vội, trong đó có giấc mơ đèn sách của nhiều thế hệ sinh viên Hà Nội ra trận. Họ cũng hát trên nền nhạc do Dàn nhạc giao hưởng của Đài PT-TH Hà Nội biểu diễn để có một câu chuyện thống nhất từ Hà Nội khó quên.