Nhảy đến nội dung

Cát về công trường Vành đai 3 TP HCM phải qua 8 trạm kiểm soát

Thông tin được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP - chủ đầu tư), nêu tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được chiều 15/5, liên quan tình hình triển khai Vành đai 3 đi qua địa bàn.

Khó khăn trên được chủ đầu tư đưa ra trong bối cảnh tuyến vành đai qua TP HCM tổng chiều dài hơn 47 km vốn đang bị thiếu cát, nhất là đoạn phía tây qua Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Theo ông Phúc, tổng nhu cầu cát đắp nền cho Vành đai 3 đoạn qua thành phố khoảng 6,6 triệu m3, đến nay các đơn vị đã huy động về công trường chừng 2,15 triệu m3. Trong năm 2025, nguồn cát đắp cần huy động cho công trình khoảng 3,75 triệu m3. Dù ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre với 10/14 mỏ cát đã được cấp phép khai thác, tạo nguồn cung cho dự án, nhưng thời gian qua do thiếu vật liệu này nên thi công gặp nhiều khó khăn. Việc này dẫn đến một số gói thầu phía tây thành phố chậm so với kế hoạch.

Để bám sát tiến độ, ông Phúc cho biết nhiều nhà thầu chủ động mua cát ngoài thị trường hoặc bên Campuchia. Nhưng ngược lại cũng có nhà thầu không chủ động trong việc này, dẫn đến nguồn cát đưa về công trường chưa đủ đáp ứng.

Mặt khác, với những mỏ cát đã được cấp phép khai thác ở miền Tây, lãnh đạo TCIP cũng cho biết một vướng mắc khác nằm ở khâu vận chuyển. Cụ thể, quá trình đưa vật liệu từ những mỏ này về công trường Vành đai 3, qua các tuyến sông để tới huyện Củ Chi có bất cập là phải qua 8 trạm kiểm soát đường thủy, biên phòng, hoặc tổ liên ngành...

Trong khi, quy trình kiểm soát tại những trạm này lại cơ bản lặp lại tương tự nhau, do vậy nhiều nhà thầu kiến nghị được tổ chức "luồng xanh" dành cho sà lan chở cát về công trường. "Việc này không phải là không kiểm soát, mà vẫn yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy định về tải trọng, giấy tờ, hoá đơn, nguồn gốc cát, nhưng chỉ cần kiểm tra tại trạm đầu và lần lượt thông báo cho các trạm sau để tránh lặp lại thủ tục nhiều lần", ông Phúc nói.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được, ghi nhận khó khăn trên và yêu cầu chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, làm việc với các lực lượng như công an, biên phòng... để có hướng tháo gỡ, giảm thủ tục không cần thiết. Sau đó, đơn vị này cần báo cáo trực tiếp cho Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường - người được giao phụ trách chính dự án để đảm bảo tháo gỡ nhanh các khó khăn.

Đồng thời, để đảm bảo tiến độ dự án, Chủ tịch UBND TP HCM cũng giao Sở Xây dựng thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt, giám sát chặt tình hình thi công cũng như việc cung ứng vật liệu, đặc biệt là cát san lấp cho các gói thầu phía tây dự án. Tổ này có trách nhiệm báo cáo định kỳ mỗi tuần để lãnh đạo thành phố theo dõi sát, kịp thời xử lý. Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp các khó khăn của nhà thầu, bao gồm các yếu tố về biến động giá vật liệu để thành phố kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ.

Ngoài ra, lãnh đạo TP HCM cũng nhấn mạnh nhà thầu nào làm tốt sẽ được khen thưởng, ngược lại nếu thi công chậm trễ, không đảm bảo tiến độ sẽ bị xử lý hoặc điều chuyển khối lượng công việc sang đơn vị thi công khác có năng lực tốt hơn để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

"Các đơn vị cần tăng tốc hơn, đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật Vành đai 3 cuối năm nay, đưa vào khai thác năm sau theo kế hoạch", ông Được yêu cầu.

Vành đai 3 tổng chiều dài hơn 90 km, là tuyến đường liên vùng đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Được quy hoạch hơn 10 năm trước, tuyến đường này trước đó đã hoàn thành đoạn dài 15,3 km qua Bình Dương (Mỹ Phước - Tân Vạn). Một đoạn khác là cầu Nhơn Trạch nối TP HCM, Đồng Nai, dự kiến khai thác cuối tháng 6 tới.

Phần còn lại dài hơn 76 km được các tỉnh, thành đầu tư với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành (không liên tục). Trong đó, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến Vành đai 3 khi hoàn thành ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giang Anh

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn